Vi bằng là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP) về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh thì vi bằng được định nghĩa như sau:
"Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác".
Cụ thể và thực tế hơn, Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Giá trị của vi bằng:
Căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 thì giá trị của vi bằng được quy định là:
Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng.
Trên đây là nội dung tư vấn về vi bằng và giá trị của vi bằng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
Trân trọng!