Xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính
Theo quy định tại Mục 3.4 Phụ lục I của Thông tư 46/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực 01/12/2017) về quy định xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
3.4.4. Xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính
a) Trên cơ sở gói dữ liệu chuyên đề Biên giới địa giới đã được khởi tạo theo quy định tại mục 3.1, tiến hành xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính theo từng lớp đối tượng, cụ thể như sau:
- Lớp mốc Biên giới được tích hợp từ cơ sở dữ liệu biên giới do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp hoặc từ Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và mang mã đối tượng AA01;
- Lớp mốc địa giới được xây dựng từ hồ sơ ĐGHC cấp xã và mang mã đối tượng tương ứng với từng cấp hành chính (AG03, AG04, AG05);
- Lớp điểm đặc trưng được xây dựng từ hồ sơ ĐGHC cấp xã và mang mã đối tượng AG06. Đối với trường hợp mốc địa giới nằm ngoài đường địa giới thì phải dựa vào mô tả trong hồ sơ địa giới để tạo ra điểm đặc trưng nằm trên đường địa giới và phân loại là “Điểm đặc trưng khác”;
- Đối tượng “Đoạn địa giới xã” được xây dựng từ đường địa giới hành chính cấp xã trên bản đồ địa giới hành chính cấp xã dạng số. Trên đường địa giới hành chính cấp xã đó, tiến hành chuẩn hóa các đối tượng “Đoạn địa giới xã” theo đúng mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính cấp xã. Vị trí bắt đầu hoặc kết thúc của đoạn địa giới là mốc địa giới hoặc điểm đặc trưng. Trong trường hợp này đối tượng “Đoạn địa giới xã” có thuộc tính loaiDoanDiaGioi nhận mọi giá trị;
- Đối tượng “Đường địa giới xã” được xây dựng từ các đối tượng “Đoạn địa giới xã” liên tiếp theo mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính và phải đảm bảo trùng khít về mặt không gian;
- Đối tượng “Đoạn địa giới huyện” được xây dựng từ đối tượng “Đoạn địa giới xã” có thuộc tính loaiDoanDiaGioi nhận các giá trị: Đoạn địa giới xã trùng địa giới huyện, Đoạn địa giới xã trùng địa giới tỉnh, Đoạn địa giới xã trùng biên giới, Đường triều kiệt;
- Đối tượng “Đường địa giới huyện” được xây dựng từ các đối tượng “Đoạn địa giới huyện” liên tiếp theo mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính và phải đảm bảo trùng khít về mặt không gian;
- Đối tượng “Đoạn địa giới tỉnh” được xây dựng từ đối tượng “Đoạn địa giới xã” có thuộc tính loaiDoanDiaGioi nhận các giá trị: Đoạn địa giới xã trùng địa giới tỉnh, Đoạn địa giới xã trùng biên giới, Đường triều kiệt;
- Đối tượng “Đường địa giới tỉnh” được xây dựng từ các đối tượng “Đoạn địa giới tỉnh” liên tiếp theo mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính và phải đảm bảo trùng khít về mặt không gian;
- Các đối tượng “Đường biên giới trên biển”, “Đường cơ sở lãnh hải”, “Đường ranh giới trên biển” được xây dựng từ bản đồ địa giới hành chính đối với các đơn vị hành chính có biển.
b) Chuẩn hóa quan hệ hình học của các đối tượng không gian ĐGHC
Việc chuẩn hóa quan hệ hình học của đối tượng không gian ĐGHC bao gồm các nội dung sau:
- Đối tượng Điểm đặc trưng, mốc địa giới với Đoạn địa giới xã: điểm bắt đầu và điểm kết thúc của đoạn địa giới xã phải trùng với điểm đặc trưng hoặc mốc địa giới;
- Đối tượng Mốc địa giới cấp huyện và Đoạn địa giới huyện, đối tượng Mốc địa giới cấp tỉnh và Đoạn địa giới tỉnh được chuẩn hóa quan hệ tương tự như đối với quan hệ giữa Mốc địa giới và Đoạn địa giới cấp xã.
c) Các đối tượng có kiểu hình học vùng được xây dựng theo các nguyên tắc sau:
- Các đối tượng “Địa phận xã”, “Địa phận huyện”, “Địa phận tỉnh” được xây dựng từ các đối tượng đường địa giới xã, huyện, tỉnh tương ứng;
- Đối tượng “Lãnh thổ” được xây dựng từ tất cả các đối tượng “Địa phận tỉnh”;
- Đối tượng “Hải phận xã” phải được xây dựng từ đường ranh giới trên biển;
- Đối tượng “Hải phận huyện” được xây dựng từ hải phận xã;
- Đối tượng “Hải phận tỉnh” được xây dựng từ hải phận huyện.
c) Dữ liệu không gian địa giới hành chính phải đảm bảo quan hệ topology theo mô hình cấu trúc và nội dung cơ sở dữ liệu địa giới hành chính được quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Trong quá trình xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính cần tiến hành đồng thời rà soát dữ liệu đối với từng đơn vị hành chính, phát hiện và xử lý các lỗi tiếp biên do khác biệt về tỷ lệ của bản đồ địa giới hành chính cấp xã gây nên. Trường hợp có mâu thuẫn cần ghi nhận và đề xuất giải pháp xử lý đồng bộ với các bộ hồ sơ địa giới hành chính có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 46/2017/TT-BTNMT.
Trân trọng!