Chuyển đổi khuôn dạng dữ liệu khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính
Theo quy định tại Mục 3 Phụ lục I của Thông tư 46/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực 01/12/2017) về quy định xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
3.2. Chuyển đổi khuôn dạng dữ liệu
3.2.1 Nguyên tắc chung:
a) Việc chuyển đổi được thực hiện từ khuôn dạng dữ liệu bản đồ địa giới hành chính dạng số (*.dgn) theo phạm vi từng mảnh bản đồ sang khuôn dạng cơ sở dữ liệu địa lý (shapefile, geodatabase ...) theo phạm vi đơn vị hành chính;
b) Trước khi chuyển đổi khuôn dạng dữ liệu cần phải xác định rõ đối tượng đường bao gói dữ liệu;
c) Căn cứ vào kế hoạch biên tập, điều kiện tổ chức sản xuất, giải pháp công nghệ và mức độ biến động thực tế của khu vực xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện việc chuyển đổi khuôn dạng dữ liệu bản đồ số cho phù hợp. Cụ thể như sau:
- Trường hợp tổ chức sản xuất đại trà bằng phần mềm đồ họa (CAD) như Microstation, tiến hành rà soát biến động, chỉnh sửa, xử lý tiếp biên về hình học trong môi trường Microstation sau đó mới chuyển đổi định dạng để chuẩn hóa thuộc tính và quan hệ topology, kiểm tra đồng bộ và tích hợp dữ liệu theo đơn vị hành chính (chuẩn hóa trước, chuyển đổi định dạng sau);
- Trường hợp chức sản xuất đại trà bằng phần mềm GIS, việc chuyển đổi khuôn dạng được thực hiện trực tiếp đối với nguồn dữ liệu bản đồ địa giới hành chính cấp xã dạng số thu nhận được (chuyển đổi định dạng trước, chuẩn hóa sau).
3.2.2. Các bước chuyển đổi khuôn dạng dữ liệu
a) Xây dựng bảng ánh xạ chuyển đổi dữ liệu giữa bản đồ địa giới hành chính cấp xã dạng số và cơ sở dữ liệu địa giới hành chính, nền địa lý;
b) Chuyển đổi khuôn dạng theo ánh xạ;
c) Tiếp biên, tích hợp dữ liệu từ các mảnh bản đồ thành dữ liệu không gian theo đơn vị hành chính cấp xã.
3.3. Xác định các đối tượng biến động
3.3.1. Chồng xếp với dữ liệu nền địa lý và phân tích không gian để phát hiện các đối tượng cần bổ sung chỉnh sửa. Trong trường hợp sử dụng các công cụ tự động phân tích đối tượng biến động, vẫn phải rà soát, tu chỉnh thủ công để đảm bảo chất lượng dữ liệu.
3.3.2. Ghi nhận các đối tượng cần bổ sung, chỉnh sửa đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý.
3.4. Xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính
3.4.1. Nguyên tắc chung:
a) Nội dung xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính bao gồm các đối tượng là các đối tượng địa giới hành chính và các đối tượng liên quan đến đối tượng địa giới hành chính;
b) Quá trình xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính phải tuân thủ các quy định biên tập kỹ thuật đã được phê duyệt;
c) Cơ sở dữ liệu địa giới hành chính được tổ chức xây dựng theo đơn vị hành chính cấp xã nhưng phải đảm bảo tính kết nối không gian trên phạm vi toàn huyện, toàn tỉnh và toàn quốc. Do đó cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Đường bao đóng gói dữ liệu cần phải được chuẩn hóa về tính duy nhất của đối tượng không gian trong cơ sở dữ liệu địa giới hành chính toàn quốc;
- Khi chuẩn hóa hình học, các đối tượng địa lý liên quan phải được tiếp biên trên cơ sở không phá vỡ tương quan với đối tượng cùng tên trong các gói dữ liệu lân cận. Các đối tượng địa lý là đối tượng địa giới hành chính như giao thông, thủy hệ... phải đảm bảo tiếp biên khớp tuyệt đối;
- Trong quá trình chỉnh sửa hình học các đối tượng nền địa lý thuộc khu vực tiếp giáp hoặc chờm phủ bởi nhiều loại dữ liệu bản đồ khác tỷ lệ, có độ chính xác khác nhau, áp dụng nguyên tắc ưu tiên độ chính xác của bản đồ tỷ lệ lớn hơn.
3.4.2 Chuẩn hóa hình học đối tượng nền địa lý
Trên phạm vi dữ liệu bản đồ địa giới hành chính cấp xã dạng số, tiến hành các thao tác rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các đối tượng nền địa lý có sự thay đổi do biến động, đã được đo đạc bổ sung cập nhật trong quá trình lập hồ sơ địa giới hành chính, cụ thể như sau:
- Thực hiện các thao tác chỉnh sửa hình học của đối tượng nền địa lý theo trình tự ưu tiên: đối tượng dạng điểm, đối tượng dạng đường, đối tượng dạng vùng;
- Trong từng lớp đối tượng, căn cứ vào các kết quả đã được ghi nhận tại mục 3.3.2, thực hiện các thao tác kiểm tra đối tượng mới xuất hiện (về mức độ tuân thủ các quy định hiện hành về nội dung và cơ sở dữ liệu nền địa lý), chỉnh sửa hoặc xóa bỏ toàn bộ hoặc một phần đối tượng biến động;
- Quá trình thực hiện chỉnh sửa phải bám sát bản đồ địa giới hành chính pháp lý (bản đồ dạng giấy), trường hợp mâu thuẫn cần đối soát với bản đồ gốc thực địa (nếu có) hoặc các tài liệu khác trong hồ sơ;
- Sau khi tiến hành chỉnh sửa hình học, rà soát, tu chỉnh, làm sạch dữ liệu, lọc bỏ lỗi (ví dụ do bắt hụt hoặc bắt quá tại các điểm giao cắt, tiếp biên) và thiết lập lại quan hệ đường - vùng để tạo lại các đối tượng địa lý dạng vùng từ đối tượng dạng đường theo quy định topology. Các đối tượng dạng vùng có đường biên chính là đối tượng địa giới hành chính phải trùng khít tuyệt đối.
3.4.3. Chuẩn hóa thuộc tính đối tượng nền địa lý
Chuẩn hóa thuộc tính đối tượng nền địa lý bao gồm các nội dung sau:
a) Chuẩn hóa bổ sung, chỉnh sửa theo quy định kỹ thuật về mô hình, cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Trong đó:
- Việc phân loại, mã đối tượng địa lý và các thuộc tính dẫn xuất từ dữ liệu hiện có được thực hiện đối với toàn bộ cơ sở dữ liệu nền địa lý để tạo ra phiên bản dữ liệu mới. Những thay đổi liên quan đến kiểu hình học của đối tượng, tiêu chí thu nhận chỉ thực hiện đối với đối tượng liên quan đến yếu tố địa giới hành chính;
- Quá trình tổ chức thực hiện, giải pháp kỹ thuật cụ thể phải được trình bày rõ trong kế hoạch biên tập đã được phê duyệt.
b) Chỉnh sửa, bổ sung các thuộc tính biến động từ bản đồ địa giới hành chính và hồ sơ địa giới hành chính.
Thực hiện chỉnh sửa các thuộc tính đối tượng nền địa lý liên quan đến đường địa giới và các đối tượng biến động đã được thể hiện trên bản đồ địa giới hành chính cấp xã (dạng giấy, dạng số).
c) Chất lượng dữ liệu được sau khi chỉnh sửa được kiểm tra theo các quy định như đối với việc thành lập cơ sở dữ liệu địa lý bằng phương pháp thu nhận trực tiếp.
3.4.4. Xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính
a) Trên cơ sở gói dữ liệu chuyên đề Biên giới địa giới đã được khởi tạo theo quy định tại mục 3.1, tiến hành xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính theo từng lớp đối tượng, cụ thể như sau:
- Lớp mốc Biên giới được tích hợp từ cơ sở dữ liệu biên giới do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp hoặc từ Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và mang mã đối tượng AA01;
- Lớp mốc địa giới được xây dựng từ hồ sơ ĐGHC cấp xã và mang mã đối tượng tương ứng với từng cấp hành chính (AG03, AG04, AG05);
- Lớp điểm đặc trưng được xây dựng từ hồ sơ ĐGHC cấp xã và mang mã đối tượng AG06. Đối với trường hợp mốc địa giới nằm ngoài đường địa giới thì phải dựa vào mô tả trong hồ sơ địa giới để tạo ra điểm đặc trưng nằm trên đường địa giới và phân loại là “Điểm đặc trưng khác”;
- Đối tượng “Đoạn địa giới xã” được xây dựng từ đường địa giới hành chính cấp xã trên bản đồ địa giới hành chính cấp xã dạng số. Trên đường địa giới hành chính cấp xã đó, tiến hành chuẩn hóa các đối tượng “Đoạn địa giới xã” theo đúng mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính cấp xã. Vị trí bắt đầu hoặc kết thúc của đoạn địa giới là mốc địa giới hoặc điểm đặc trưng. Trong trường hợp này đối tượng “Đoạn địa giới xã” có thuộc tính loaiDoanDiaGioi nhận mọi giá trị;
- Đối tượng “Đường địa giới xã” được xây dựng từ các đối tượng “Đoạn địa giới xã” liên tiếp theo mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính và phải đảm bảo trùng khít về mặt không gian;
- Đối tượng “Đoạn địa giới huyện” được xây dựng từ đối tượng “Đoạn địa giới xã” có thuộc tính loaiDoanDiaGioi nhận các giá trị: Đoạn địa giới xã trùng địa giới huyện, Đoạn địa giới xã trùng địa giới tỉnh, Đoạn địa giới xã trùng biên giới, Đường triều kiệt;
- Đối tượng “Đường địa giới huyện” được xây dựng từ các đối tượng “Đoạn địa giới huyện” liên tiếp theo mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính và phải đảm bảo trùng khít về mặt không gian;
- Đối tượng “Đoạn địa giới tỉnh” được xây dựng từ đối tượng “Đoạn địa giới xã” có thuộc tính loaiDoanDiaGioi nhận các giá trị: Đoạn địa giới xã trùng địa giới tỉnh, Đoạn địa giới xã trùng biên giới, Đường triều kiệt;
- Đối tượng “Đường địa giới tỉnh” được xây dựng từ các đối tượng “Đoạn địa giới tỉnh” liên tiếp theo mô tả trong hồ sơ địa giới hành chính và phải đảm bảo trùng khít về mặt không gian;
- Các đối tượng “Đường biên giới trên biển”, “Đường cơ sở lãnh hải”, “Đường ranh giới trên biển” được xây dựng từ bản đồ địa giới hành chính đối với các đơn vị hành chính có biển.
b) Chuẩn hóa quan hệ hình học của các đối tượng không gian ĐGHC
Việc chuẩn hóa quan hệ hình học của đối tượng không gian ĐGHC bao gồm các nội dung sau:
- Đối tượng Điểm đặc trưng, mốc địa giới với Đoạn địa giới xã: điểm bắt đầu và điểm kết thúc của đoạn địa giới xã phải trùng với điểm đặc trưng hoặc mốc địa giới;
- Đối tượng Mốc địa giới cấp huyện và Đoạn địa giới huyện, đối tượng Mốc địa giới cấp tỉnh và Đoạn địa giới tỉnh được chuẩn hóa quan hệ tương tự như đối với quan hệ giữa Mốc địa giới và Đoạn địa giới cấp xã.
c) Các đối tượng có kiểu hình học vùng được xây dựng theo các nguyên tắc sau:
- Các đối tượng “Địa phận xã”, “Địa phận huyện”, “Địa phận tỉnh” được xây dựng từ các đối tượng đường địa giới xã, huyện, tỉnh tương ứng;
- Đối tượng “Lãnh thổ” được xây dựng từ tất cả các đối tượng “Địa phận tỉnh”;
- Đối tượng “Hải phận xã” phải được xây dựng từ đường ranh giới trên biển;
- Đối tượng “Hải phận huyện” được xây dựng từ hải phận xã;
- Đối tượng “Hải phận tỉnh” được xây dựng từ hải phận huyện.
c) Dữ liệu không gian địa giới hành chính phải đảm bảo quan hệ topology theo mô hình cấu trúc và nội dung cơ sở dữ liệu địa giới hành chính được quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Trong quá trình xây dựng dữ liệu không gian địa giới hành chính cần tiến hành đồng thời rà soát dữ liệu đối với từng đơn vị hành chính, phát hiện và xử lý các lỗi tiếp biên do khác biệt về tỷ lệ của bản đồ địa giới hành chính cấp xã gây nên. Trường hợp có mâu thuẫn cần ghi nhận và đề xuất giải pháp xử lý đồng bộ với các bộ hồ sơ địa giới hành chính có liên quan.
3.5. Xây dựng dữ liệu thuộc tính của đối tượng địa giới hành chính
3.5.1 Dữ liệu thuộc tính của đối tượng địa giới hành chính chỉ được xây dựng sau khi đã chuẩn hóa đối tượng không gian, đồng bộ, tích hợp trên toàn phạm vi gói dữ liệu.
3.5.2 Căn cứ vào cấu trúc dữ liệu địa giới hành chính đã được khởi tạo theo quy đinh mục 3.1 để tiến hành nhập, chuẩn hóa thuộc tính cho các đối tượng địa giới hành chính.
3.5.3 Danh mục, tên trường thuộc tính và các quy định về kiểu dữ liệu được quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3.5.4 Nội dung thông tin thuộc tính của các đối tượng không gian địa giới hành chính phải được nhập từ hồ sơ địa giới hành chính. Trường hợp có mâu thuẫn với bản đồ địa giới hành chính hoặc các loại tài liệu khác cần ghi nhận, báo cáo đề xuất phương án xử lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về chuyển đổi khuôn dạng dữ liệu khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 46/2017/TT-BTNMT.
Trân trọng!