Biên tập kỹ thuật khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính

Biên tập kỹ thuật khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính được quy định như thế nào? Xin chào Ban Biên tập. Tôi là Hoàng Oanh, sống tại Tp.HCM. Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính. Nhờ ban biên tập giải đáp giúp tôi: Biên tập kỹ thuật khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin cảm ơn.   

Theo quy định tại Mục 2 Phụ lục I của Thông tư 46/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực 01/12/2017) về quy định xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì nội dung này được quy định như sau:

Biên tập kỹ thuật (bước 2)

Trên cơ sở các nguồn tài liệu thu thập được, tiến hành công tác biên tập kỹ thuật. Biên tập kỹ thuật là việc tổng hợp, phân tích tài liệu, dữ liệu hồ sơ địa giới hành chính và dữ liệu nền địa lý, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chi tiết và tiến độ tổ chức thực hiện công việc cho phù hợp với dữ liệu cụ thể của từng tỉnh. Nội dung biên tập kỹ thuật bao gồm:

2.1. Lập sơ đồ thi công, tiến hành sao lưu dữ liệu. Thực hiện việc tiếp biên dữ liệu, xử lý các vấn đề có liên quan đến tiếp biên trong phạm vi của tỉnh đang xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như tiếp biên với các tỉnh lân cận (nếu có);

2.2. Xác lập đường bao phạm vi đóng gói dữ liệu trên cơ sở đường địa giới hành chính cấp tỉnh đảm bảo kết nối chính xác, đầy đủ với cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các tỉnh lân cận;

2.3. Phân tích sự phù hợp về cấu trúc, nội dung dữ liệu nền địa lý so với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu nền địa lý hiện hành;

2.4. Phân tích đặc điểm địa hình, địa vật, sự phù hợp về yếu tố hình học và các thuộc tính kèm theo của đối tượng địa lý trên bản đồ địa giới hành chính với các đối tượng tương ứng trong dữ liệu nền địa lý;

2.5. Phân tích các vấn đề có liên quan đến độ chính xác, tính đồng bộ về tỷ lệ của bản đồ địa giới hành chính cấp xã trong phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu. Rà soát tiếp biên sơ bộ, phát hiện những vấn đề còn mâu thuẫn, không thống nhất trong nội bộ hồ sơ địa giới hành chính, đề xuất phương án xử lý;

2.6. Sử dụng các công cụ, tiện ích hỗ trợ việc xây dựng dữ liệu địa giới hành chính và kiểm soát chất lượng dữ liệu không gian dữ liệu địa giới hành chính phù hợp với giải pháp công nghệ đã lựa chọn;

2.7. Lập chỉ thị biên tập trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt, tiến hành sản xuất thử nghiệm, tập huấn (nếu cần).   

Trên đây là nội dung tư vấn về biên tập kỹ thuật khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 46/2017/TT-BTNMT.

Trân trọng!             

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào