Chế độ phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường trên biển
Theo quy định tại Điều 14 Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển ban hành kèm theo Quyết định 06/2014/QĐ-TTg ngày 201/01/2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì chế độ phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường trên biển được quy định cụ thể như sau:
1. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Tham gia cứu người bị nạn trên biển khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình. Đồng thời thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
b) Chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn trên biển huy động;
c) Tham gia hỗ trợ, cứu hộ phương tiện gặp nạn theo quy định.
2. Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Liên lạc với người, phương tiện bị nạn nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn;
b) Trường hợp hai bên đã thống nhất được biện pháp hỗ trợ, lai dắt, cứu hộ hoặc cứu nạn mà không cần sự hỗ trợ thêm phải báo Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn biết để dừng việc hỗ trợ, cứu nạn;
c) Trường hợp cần sự hỗ trợ thêm, phải thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết;
d) Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Chỉ huy hiện trường.
3. Chỉ huy hiện trường
a) Trường hợp có một phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì thuyền trưởng phương tiện là Chỉ huy hiện trường. Khi có hai hoặc nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì Chỉ huy hiện trường sẽ do Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định.
b) Chỉ huy hiện trường có trách nhiệm
Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
Báo cáo, đề xuất với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hay việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Việc thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận;
Trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn được quyền điều chỉnh kế hoạch hành động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế, sau đó phải báo cáo với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất.
4. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Tổ chức nắm bắt tình hình về tai nạn, sự cố để đưa ra phương án tổ chức, điều động hoặc kiến nghị điều động lực lượng, phương tiện đến ứng phó kịp thời và hiệu quả;
b) Yêu cầu hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam phát thông tin tìm kiếm, cứu nạn về người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển; dừng phát khi đã kết thúc tình huống cấp cứu - khẩn cặp; duy trì thông tin liên lạc với Chỉ huy hiện trường, chỉ đạo hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
c) Hướng dẫn người, phương tiện bị nạn, thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Chỉ huy hiện trường tùy theo từng tình huống và diễn biến của vụ việc để nắm, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời;
d) Trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; kiến nghị các cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình;
đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để tiến hành và giải quyết hậu quả vụ tìm kiếm, cứu nạn.
5. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Chấp hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện của cơ quan có thẩm quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
b) Phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn khác trong việc điều hành phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của đơn vị chủ trì tìm kiếm, cứu nạn. Kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết những thông tin liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Chủ phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Chấp hành nghiêm lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện của mình.
7. Doanh nghiệp bảo hiểm đã bán bảo hiểm cho phương tiện bị nạn trên biển có trách nhiệm:
a) Phối hợp và cung cấp tài liệu, hồ sơ và thông tin liên quan đến người, phương tiện được bảo hiểm theo nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn khi tiến hành cứu nạn và giải quyết vụ việc;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp phối hợp với chủ phương tiện tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường trên biển. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 06/2014/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật