Hoạt động xử lý nợ đã mua, tiếp nhận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam
Hoạt động xử lý nợ đã mua, tiếp nhận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam được quy định tại Điều 13 Thông tư 135/2015/TT-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Các hình thức xử lý nợ:
a) Thu hồi nợ trực tiếp từ khách nợ;
b) Xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ;
c) Bán nợ cho tổ chức, cá nhân khác (không bao gồm khách nợ);
d) Thu nợ bằng tài sản;
đ) Nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ khách nợ sang bên thứ ba;
e) Ủy thác thu nợ hoặc thu hồi nợ thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
g) Chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ;
h) Khởi kiện ra Tòa án để đòi nợ;
i) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trong quá trình xử lý nợ, tùy từng trường hợp, DATC được xem xét, xử lý theo các hình thức sau;
a) Khoanh nợ, giãn nợ (gia hạn nợ) phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ trên cơ sở các điều kiện cụ thể về việc thu nợ và khả năng giám sát hoạt động kinh doanh của DATC đối với doanh nghiệp khách nợ, đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả;
b) Xóa nợ lãi sau khi khách nợ đã hoàn trả đủ nợ gốc trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cam kết trả nợ và đảm bảo có hiệu quả.
Trường hợp doanh nghiệp khách nợ kinh doanh thua lỗ và đã hoàn trả nợ theo đúng cam kết trong thời hạn 6 tháng, DATC được xóa thêm một phần nợ gốc cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế của DATC theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức xóa nợ gốc trong trường hợp này không vượt quá số lỗ lũy kế của doanh nghiệp và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách của khoản nợ và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm xóa nợ;
c) Điều chỉnh mức lãi suất của khoản nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ và điều kiện thị trường, nhưng không thấp hơn mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng bình quân của bốn ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) tại cùng thời điểm xem xét điều chỉnh lãi suất. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng của mỗi ngân hàng là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng do ngân hàng đó công bố trên Website của mình;
d) Thỏa thuận với khách nợ để thu nợ bằng tài sản. Giá trị tài sản thu hồi nợ phải được định giá thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và được theo dõi là tài sản chờ xử lý. Việc hạch toán tài sản này thực hiện theo quy định tại Quy chế tài chính của DATC và phù hợp với quy định của pháp luật;
đ) Thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để thực hiện chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ khách nợ sang bên thứ ba trên nguyên tắc đồng thuận giữa ba bên và phải đảm bảo tạo thuận lợi hơn cho DATC trong việc thu hồi khoản nợ, trong đó giá trị khoản nợ được chuyển giao chưa xác định là doanh thu của DATC;
e) Chuyển nợ thành vốn góp phải được chủ sở hữu của doanh nghiệp khách nợ thống nhất và thực hiện theo quy định tại Điều 15 Điều lệ này. Giá trị khoản nợ chuyển thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ được xác định là khoản đầu tư của DATC và thực hiện theo quy định tại Quy chế tài chính của DATC;
g) Bán nợ theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua khi đáp ứng một trong những trường hợp sau:
- Sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá công khai nhưng không thành;
- Trước khi DATC ký hợp đồng mua nợ đã có khách hàng cam kết mua lại một phần hoặc toàn bộ khoản nợ đó, đồng thời đáp ứng được các điều kiện của DATC về giá cả, thanh toán và đặt cọc, khả năng tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sau tái cơ cấu.
3. Đối với nợ tiếp nhận, mua theo chỉ định, việc xử lý nợ phải theo đúng phương án mua, bán, xử lý nợ chỉ định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động xử lý nợ đã mua, tiếp nhận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 135/2015/TT-BTC.
Trân trọng thông tin đến bạn!