Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại công chức viên chức kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào?
Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại công chức viên chức kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 9 Quyết định 1636/QĐ-KTNN năm 2015 Quy định đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước do Kiểm toán Nhà nước ban hành, cụ thể như sau:
1. Báo cáo tự đánh giá kết quả công tác
- Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác hàng năm theo nhiệm vụ được giao; đánh giá nhận xét, ưu, nhược điểm trong quá trình công tác theo nội dung đánh giá, tiêu chí phân loại tại Quy định này và tự đánh giá, phân loại (theo Mẫu số 01).
- Đối với công chức lãnh đạo cấp vụ, cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức công tác có ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản đối với công chức được đánh giá, phân loại.
2. Tổ chức họp đánh giá công chức
Việc tổ chức họp đánh giá, phân loại công chức hàng năm phải đảm bảo có ít nhất 2/3 số công chức hoặc thành phần được triệu tập có mặt dự họp.
a) Đối với Vụ trưởng và tương đương (công chức được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ hoặc phụ cấp trách nhiệm là 1,0), Phó Vụ trưởng và tương đương (công chức được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ hoặc phụ cấp trách nhiệm là 0,8)
- Chủ trì cuộc họp:
+ Đối với Vụ trưởng và tương đương: Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tổ chức họp đánh giá đối với công chức;
+ Đối với Phó Vụ trưởng và tương đương: Thủ trưởng đơn vị nơi công chức công tác chủ trì, phối hợp với cấp ủy đơn vị tổ chức họp đánh giá công chức để lấy ý kiến góp ý nhận xét, đánh giá và tổng hợp ý kiến góp ý nhận xét, đánh giá.
- Thành phần họp đánh giá: Toàn thể công chức chủ chốt thuộc đơn vị, gồm: Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của đơn vị.
b) Đối với Trưởng phòng và tương đương (công chức có hệ số phụ cấp là 0,6), Phó Trưởng phòng và tương đương (công chức có hệ số phụ cấp là 0,4) trở xuống
- Chủ trì cuộc họp:
+ Đối với Trưởng phòng và tương đương: Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách phòng, ban, đội (sau đây gọi tắt là Phòng) chủ trì tổ chức họp kiểm điểm đánh giá đối với công chức thuộc phòng phụ trách;
+ Đối với Phó trưởng phòng và tương đương trở xuống: Trưởng phòng chủ trì tổ chức họp kiểm điểm đánh giá đối với các công chức thuộc phòng phụ trách.
- Thành phần cuộc họp gồm: Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách phòng (đối với đánh giá công chức là Trưởng phòng và tương đương) và toàn thể công chức thuộc phòng.
3. Trình tự cuộc họp
a) Chủ trì cuộc họp cử thư ký ghi biên bản cuộc họp.
b) Công chức trình bày phiếu đánh giá và phân loại công chức của năm công tác tại cuộc họp.
c) Đại diện cấp ủy đảng cùng cấp trình bày đánh giá, nhận xét đối với công chức lãnh đạo cấp vụ được đánh giá.
d) Tập thể công chức tham dự cuộc họp tham gia góp ý, nhận xét.
đ) Thông qua Biên bản tại cuộc họp.
4. Thủ tục đánh giá và phân loại công chức
a) Đối với Vụ trưởng và tương đương:
- Căn cứ phiếu đánh giá và phân loại công chức của cá nhân; căn cứ biên bản cuộc họp và các ý kiến tham gia góp ý tại cuộc họp; ý kiến của cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức công tác, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng kiểm toán nhà nước trước khi xin ý kiến nhận xét, đánh giá của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đơn vị.
- Sau khi tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đơn vị, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước thông qua Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước và Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước.
- Sau khi tổng hợp ý kiến của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước, Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước đưa ra tập thể lãnh đạo Kiểm toán nhà nước xem xét, thống nhất nhận xét, đánh giá và phân loại đối với Vụ trưởng và tương đương trước khi Tổng Kiểm toán nhà nước ghi ý kiến nhận xét đánh giá, thông báo kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại công chức.
b) Đối với Phó Vụ trưởng và tương đương: Căn cứ phiếu đánh giá và phân loại công chức của cá nhân; căn cứ biên bản cuộc họp và các ý kiến tham gia góp ý tại cuộc họp, ý kiến của cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức công tác, thủ trưởng đơn vị nhận xét, đánh giá và phân loại công chức.
c) Đối với Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và tương đương trở xuống:
- Căn cứ phiếu đánh giá và phân loại công chức của cá nhân; căn cứ biên bản cuộc họp và các ý kiến tham gia góp ý tại cuộc họp; Trưởng phòng có công chức được đánh giá tổng hợp ý kiến nhận xét đánh giá công chức thuộc phòng tại cuộc họp kiểm điểm bằng văn bản, báo cáo Thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng đơn vị sau khi tham khảo ý kiến nhận xét đánh giá của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng, ghi ý kiến nhận xét, đánh giá và phân loại công chức vào “Phiếu đánh giá và phân loại công chức” và thông báo kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại công chức.
- Riêng đối với Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và tương đương, Thủ trưởng đơn vị sau khi tham khảo ý kiến nhận xét đánh giá của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng, thống nhất ý kiến nhận xét, đánh giá trong cấp ủy và tập thể lãnh đạo đơn vị trước khi ghi ý kiến nhận xét, đánh giá, phân loại công chức và thông báo kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại công chức.
Trên đây là nội dung câu trả lời về trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại công chức viên chức kiểm toán nhà nước theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1636/QĐ-KTNN năm 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật