Nội dung đánh giá, phân loại công chức kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào?
Nội dung đánh giá, phân loại công chức kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quyết định 1636/QĐ-KTNN năm 2015 Quy định đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước do Kiểm toán Nhà nước ban hành, cụ thể như sau:
1. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Nội dung đánh giá công chức thực hiện theo Khoản 1 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức; thực hiện đánh giá theo những tiêu chí sau:
a) Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
- Nhận thức về tư tưởng chính trị, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
- Bản thân và gia đình chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Không để vợ (chồng), con, anh (chị, em) ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ảnh hưởng xấu đến cơ quan hoặc vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật.
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc:
- Việc giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác; thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm và công chức không được làm;
- Tính trung thực, ý thức giữ gìn đoàn kết nội bộ, quan hệ với đồng nghiệp và quần chúng nhân dân; ý thức đấu tranh tự phê bình và phê bình; xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh;
- Tinh thần và thái độ với công việc được giao, không hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ;
- Việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, nơi đến công tác; giữ gìn nếp sống văn hóa công sở; đảm bảo thời gian làm việc.
c) Năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tế của bản thân so với yêu cầu và vị trí công việc; khả năng lập kế hoạch và năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá, lập báo cáo; nêu cụ thể những sáng kiến cải tiến, đề án, đề tài, kế hoạch được áp dụng trong năm, các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu trong năm;
- Tinh thần tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao; ý thức và trách nhiệm tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn trong và ngoài ngành; đảm bảo sức khoẻ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
d) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (những văn bản, kế hoạch, công trình nghiên cứu, tham gia các đề tài, đề án, tham gia hay chủ trì). Đánh giá cụ thể các công việc được giao, các công việc đã hoàn thành. Việc đánh giá thể hiện mức độ hoàn thành (tỷ lệ %) về khối lượng công việc được giao, chất lượng công việc, tiến độ, hiệu quả giải quyết công việc ở từng vị trí, từng thời gian so với yêu cầu bao gồm cả những nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất (đúng hay chậm tiến độ), những hạn chế, lỗi, sai sót, vi phạm, khuyết điểm nếu có;
- Đối với công chức làm nhiệm vụ kiểm toán hoặc tham gia hoạt động kiểm toán, ngoài nội dung trên còn phải đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của kiểm toán viên trong Đoàn (Tổ) kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; thực hiện Chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước và các quy định khác liên quan trong quá trình thực hiện kiểm toán; lấy kết quả thực hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán và bản đánh giá thành viên tham gia Đoàn kiểm toán (kết quả cụ thể, chất lượng kiểm toán, tiến độ thực hiện kiểm toán theo kế hoạch; những hạn chế, lỗi, sai sót, vi phạm, khuyết điểm nếu có... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán) làm cơ sở để đánh giá;
- Việc hoàn thành về chất lượng và tiến độ trong việc thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao.
đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ:
- Tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc;
- Kết quả thực hiện việc phối hợp trong công tác đối với đồng nghiệp trong cơ quan; ý thức, thái độ hợp tác và phối hợp trong thực hiện công việc; giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị, bộ phận, cá nhân trong và ngoài đơn vị;
- Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công của cấp trên.
e) Thái độ phục vụ nhân dân: Thái độ ứng xử trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân có liên quan (hoặc đơn vị kiểm toán).
2. Nội dung đánh giá đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương; Trưởng (Phó) Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán
a) Đánh giá theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, việc tổ chức triển khai thực hiện công việc và kế hoạch kiểm toán, phân công nhiệm vụ cho công chức, kiểm toán viên thuộc quyền quản lý; trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận và của cá nhân;
c) Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận (tỷ lệ khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc, tiến độ giải quyết công việc; trách nhiệm trong việc để xảy ra sai sót, vi phạm, khuyết điểm của công chức, viên chức trong đơn vị (nếu có); thực hiện chế độ thông tin báo cáo;
d) Năng lực tập hợp, đoàn kết trong tập thể đơn vị.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nội dung đánh giá, phân loại công chức kiểm toán nhà nước theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1636/QĐ-KTNN năm 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật