Quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi
Việc quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi được quy định tại Chương 2 Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 như sau:
Điều 10. Quản lý nguồn gen vật nuôi
1. Nguồn gen vật nuôi là tài sản quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý.
2. Nguồn gen vật nuôi ở khu bảo tồn của Nhà nước khi có nhu cầu khai thác, sử dụng phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản.
3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn gen vật nuôi tại địa phương.
Điều 11. Nội dung bảo tồn nguồn gen vật nuôi
1. Điều tra, khảo sát và thu thập nguồn gen vật nuôi phù hợp với tính chất và đặc điểm của từng loài vật nuôi.
2. Bảo tồn lâu dài và an toàn nguồn gen đã được xác định phù hợp với đặc tính sinh học cụ thể của từng giống vật nuôi.
3. Đánh giá nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học và giá trị sử dụng.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu nguồn gen vật nuôi.
Điều 12. Thu thập, bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm
1. Nhà nước đầu tư và hỗ trợ cho việc thu thập, bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm; xây dựng cơ sở lưu giữ nguồn gen vật nuôi quý hiếm; bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm tại địa phương.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm theo quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản định kỳ công bố Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn.
Điều 13. Trao đổi nguồn gen vật nuôi quý hiếm
1. Tổ chức, cá nhân được trao đổi nguồn gen vật nuôi quý hiếm để phục vụ cho việc nghiên cứu, chọn, tạo giống vật nuôi mới và sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản.
2. Việc trao đổi quốc tế nguồn gen vật nuôi quý hiếm phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản.
Trên đây là nội dung quy định về việc quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật