Chế độ xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt

Chế độ xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Phạm Thành Tuân, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, chế độ xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Phạm Thành Tuân (tuan*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 155/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 127/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì chế độ xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể như sau:

Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Việc xác định giá trị tang vật vi phạm được thực hiện như sau:

- Đối với tang vật không bị tịch thu thì trị giá tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá hải quan, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở thời điểm lập biên bản vi phạm; nếu là ngoại tệ thì tỷ giá được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

- Đối với hàng hóa, tang vật vi phạm bị tịch thu thì tùy theo từng loại hàng hóa, tang vật cụ thể, việc xác định trị giá thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm (nếu cần) và thành lập Hội đồng định giá để thực hiện việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

- Khi xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải lập biên bản. Các tài liệu liên quan đến việc định giá phải được thể hiện trong hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính có thực hiện việc định giá hàng hóa, tang vật vi phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 155/2016/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào