Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp bằng Tổ quốc ghi công
Nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp bằng Tổ quốc ghi công được quy định tại Tiểu mục 8 Mục VII Phần A Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010 như sau:
a) Về thành phần hồ sơ
Thành phần hồ sơ: Hồ sơ giải quyết được sử dụng theo hồ sơ giải quyết thủ tục “Cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất” theo kiến nghị tại tiết 1 Mục VII của Phương án đơn giản hóa tùy theo từng trường hợp, trong đó cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục gửi Danh sách đề nghị về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng “Bằng Tổ quốc ghi công” cho Liệt sĩ. Bỏ Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ cần Tờ trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký, trình Thủ tướng Chính phủ.
b) Về số lượng hồ sơ: Bổ sung quy định về số lượng hồ sơ là 01 bộ.
c) Về trình tự thực hiện:
Việc giải quyết cấp Bằng Tổ quốc ghi công là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, trong đó có việc tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công. Do đó, tách riêng khỏi thủ tục “Cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất” để giải quyết theo trình tự sau đây:
- Bước 1. Cơ quan, đơn vị có người hy sinh và đã cấp giấy báo tử (đối với trường hợp hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với trường hợp thương bệnh binh nặng chết do vết thương tái phát và trường hợp đã hy sinh trong kháng chiến nhưng chưa được công nhận liệt sĩ nay được thân nhân đề nghị xét công nhận), lập Danh sách đề nghị cấp “Bằng Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ (giải quyết dứt điểm từng trường hợp, trừ trường hợp cùng lúc giải quyết cho nhiều trường hợp hy sinh thì lập Danh sách kèm theo Tờ trình), gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Bước 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, lập Tờ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng “Bằng Tổ quốc ghi công”. Sau đó, chuyển “Bằng Tổ quốc ghi công” đến cơ quan có người hy sinh hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đã đề nghị “Bằng Tổ quốc ghi công”.
- Bước 3. Cơ quan có người hy sinh chuyển “Bằng Tổ quốc ghi công” đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thân nhân liệt sĩ cư trú. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thân nhân liệt sĩ cư trú chuyển “Bằng Tổ quốc ghi công về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Nội vụ - Lao động xã hội (sau đây gọi chung là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lễ trao “Bằng Tổ quốc ghi công”.
d) Thời hạn để giải quyết thủ tục hành chính: Quy định tối đa là 60 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy báo tử (đối với trường hợp hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao), ngày ra Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ (đối với trường hợp thương bệnh binh nặng chết do vết thương tái phát và trường hợp đã hy sinh trong kháng chiến nhưng chưa được công nhận liệt sĩ nay được thân nhân đề nghị xét công nhận), trong đó:
- Cơ quan có người hy sinh: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ, lập Danh sách gửi về Cục Người có công trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy báo tử hoặc ra Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất;
- Cục Người có công tiếp nhận, tổng hợp, lập Tờ trình kèm theo Danh sách tổng hợp và phôi “Bằng Tổ quốc ghi công” gửi Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng “Bằng Tổ quốc ghi công” trong thời hạn tối đa 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ trình kèm theo Danh sách do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình;
- Văn phòng Chính phủ tiếp nhận hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ký “Bằng Tổ quốc ghi công” trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi lên;
- Cục Người có công nhận và gửi “Bằng Tổ quốc ghi công” cho cơ quan có người hy sinh hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được “Bằng Tổ quốc ghi công”.
đ) Mẫu đơn, mẫu tờ khai
Mẫu hóa Danh sách đề nghị cấp “Bằng Tổ quốc ghi công”, trong đó ghi đầy đủ các thông tin cơ bản phục vụ cho việc cấp “Bằng Tổ quốc ghi công”.
Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp bằng Tổ quốc ghi công. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật