Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Đăng Duy, hiện tôi đang sinh sống tại Đồng Nai. Gần đây, tôi có nghe nói về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ trong một số lĩnh vực. Tôi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực người có công, Ban biên tập cho tôi hỏi lĩnh vực người có công, cụ thể trong việc cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật được đơn giản hóa thủ tục hành chính như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Rất mong nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (duy***@gmail.com)

Nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật được quy định tại Tiểu mục 5 Mục VII Phần A Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010 như sau:

Nội dung đơn giản hóa thủ tục “Cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật” –B-BLD-004279-TT

a) Về thành phần hồ sơ:

Bỏ giấy xác nhận trường hợp bị thương, chỉ yêu cầu cá nhân cung cấp những giấy tờ thuộc nghĩa vụ của cá nhân. Cụ thể:

- Đơn/Tờ khai đề nghị công nhận người hưởng chính sách như thương binh và giải quyết chế độ cấp thương tật (bổ sung mẫu theo hướng lấy các thông tin cơ bản ở Giấy chứng nhận bị thương phù hợp với mẫu đơn đề nghị);

- Giấy ra viện (do bệnh viện nơi điều trị cấp);

b) Về số lượng hồ sơ: Quy định rõ số lượng hồ sơ là 03 bộ

c) Về trình tự thực hiện

Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận bị thương, gộp thủ tục này vào thủ tục Lập biên bản giám định và thủ tục Cấp Giấy chứng nhận thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật. Cụ thể:

Bước 1. Nộp hồ sơ: Người bị thương làm đơn/Tờ khai (một số thông tin cơ bản lấy từ mẫu Giấy chứng nhận bị thương), 04 ảnh cỡ 2x3, kèm theo Giấy ra viện sau khi điều trị vết thương nộp cho cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác (nếu đang công tác hoặc đang phục vụ trong quân đội), nộp cho cơ quan, đơn vị nơi công tác cuối cùng trước khi nghỉ việc/nghỉ hưu hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (đối với trường hợp đã nghỉ việc/nghỉ hưu hoặc đã chuyển ra ngoài quân đội) và lấy giấy hẹn (với 02 nội dung: hẹn đến nhận giấy giới thiệu giám định và hẹn ngày nhận kết quả).

Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Ủy ban nhân dân cấp xã, thỉ Ủy ban nhân dân cấp xã phải làm văn bản đề nghị để gửi hồ sơ sang Bộ chỉ huy quân sự huyện, Bộ chỉ huy quân sự huyện kiểm tra hồ sơ và gửi lên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị nơi người bị thương công tác cuối cùng trước khi nghỉ việc hoặc nghỉ chế độ.

Bước 2. Giới thiệu giám định, đồng thời xác nhận trường hợp bị thương:

- Giới thiệu giám định: Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn thì giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa (theo phân cấp quản lý) để giám định xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật.

- Xác nhận trường hợp bị thương: Cơ quan, đơn vị kiểm tra hồ sơ, xác nhận hoặc đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan xác nhận trường hợp bị thương của người bị thương theo quy định tại tiết b điểm 1.1 khoản 1 mục V phần I của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể:

+ Trường hợp bị thương trong khi đang làm nghĩa vụ quốc tế do tổ chức phân công, thì phải có giấy xác nhận được giao đi làm nhiệm vụ quốc tế do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương cấp;

+ Trường hợp bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, phải có giấy xác nhận được giao đi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương cấp;

+ Trường hợp bị thương do dũng cảm làm công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, của nhân dân, phải có Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý người bị thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập;

+ Trường hợp bị thương do dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, phải có Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý người bị thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập kèm theo bản án hoặc kết luận điều tra của cơ quan điều tra (nếu án không xử);

+ Trường hợp bị thương trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo, phải có Giấy xác nhận hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp người bị thương cấp;

Bước 3. Giám định: Hội đồng giám định y khoa tổ chức giám định và lập Biên bản giám định y khoa thành 02 bản (01 bản gửi cho người được giám định, 01 bản gửi cho cơ quan, đơn vị đã giới thiệu người bị thương đến giám định).

Bước 4. Quyết định cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh: Trên cơ sở Kết luận giám định của Hội đồng y khoa, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật.

Bước 5. Trả kết quả: Người bị thương nhận Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh, Phiếu trợ cấp thương tật.

d) Về thời hạn để giải quyết thủ tục hành chính

Nội dung đề xuất: Quy định rõ: giải quyết trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận người hưởng chính sách như thương binh do người bị thương nộp. Trường hợp phức tạp phải có thêm thời gian để kiểm tra, xác nhận hồ sơ, có thể kéo dài thêm 30 ngày làm việc, tổng cộng tối đa không quá 90 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết do người bị thương nộp.

đ) Về mẫu đơn

Xây dựng mẫu đơn đề nghị công nhận người hưởng chính sách như thương binh và giải quyết chế độ thương tật, bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây:

- Họ và tên người đề nghị, ngày tháng năm sinh;

- Nguyên quán;

- Trú quán;

- Tham gia công tác ngày tháng năm;

- Hiện nay đang làm gì, ở đâu?

- Chức vụ khi bị thương;

- Trường hợp bị thương;

- Nơi bị thương;

- Sau khi bị thương được điều trị tại:

- Ra viện ngày tháng năm

- Lý do chưa được giải quyết chế độ:

- Đề nghị: … xét công nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào