Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy báo tử, giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất, giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ
Nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực người có công (cấp giấy báo tử, cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất, cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ) được quy định tại Tiểu mục 1 Mục VII Phần A Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010 như sau:
Nội dung đơn giản hóa các thủ tục:
- “Cấp giấy báo tử” (B-BLD-052768-TT);
- “Cấp giấy báo tử” (BLD-052775-TT);
- “Cấp giấy báo tử” (B-BLD-052776-TT);
- “Cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất” (B-BLD-004279-TT);
- “Cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ” (B-BLD-052926-TT)
Gộp các thủ tục nêu trên thành 01 thủ tục và đặt tên thủ tục là “Cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất”.
a) Về hồ sơ, thẩm quyền, quy trình thực hiện:
Tách riêng các trường hợp hy sinh để quy định phù hợp về điều kiện được xét công nhận, quy định trình tự, cách thức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong từng giai đoạn thực hiện. Cụ thể:
(a) Đối với trường hợp hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, các cơ quan, đơn vị quản lý người đã hy sinh chịu trách nhiệm chủ động lập hồ sơ, giải quyết chế độ cho thân nhân liệt sĩ. Trình tự gồm:
Bước 1: Xác nhận trường hợp hy sinh của quân nhân
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có người hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cấp giấy xác nhận trường hợp hy sinh của quân nhân theo quy định tại tiết b điểm 1.1 khoản 1 mục II phần I của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể:
- Trường hợp hy sinh trong khi đang làm nghĩa vụ quốc tế, thì phải có giấy xác nhận đã hy sinh trong khi được giao đi làm nhiệm vụ quốc tế do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý quân nhân cấp;
- Trường hợp hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, phải có giấy xác nhận đã hy sinh khi được giao đi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý quân nhân cấp;
- Trường hợp hy sinh do dũng cảm làm công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, của nhân dân, phải có Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý người hy sinh hoăc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập;
- Trường hợp hy sinh do dũng cảm đấu tranh chống tội phạm trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ trật tự, trị an – xã hội, phải có Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý người hy sinh hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập kèm theo bản án hoặc kết luận điều tra của cơ quan điều tra (nếu án không xử);
- Trường hợp hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải có Giấy xác nhận hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp người hy sinh cấp.
Trong thời hạn chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày người đó hy sinh, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ phải chuyển giấy xác nhận đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định tại tiết a điểm 1.1 khoản 1 mục II phần I của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH.
Bước 2. Cấp giấy báo tử và đề nghị cấp “Bằng tổ quốc ghi công”:
- Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận Giấy xác nhận trường hợp hy sinh, kiểm tra, xác minh và cấp giấy báo tử trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy xác nhận trường hợp hy sinh do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người đã hy sinh chuyển đến. Giấy báo tử được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã – nơi trú quán của người đã hy sinh (kèm theo văn bản đề nghị xác nhận thân nhân của liệt sĩ) và gửi cho thân nhân của liệt sĩ.
- Cơ quan, đơn vị đã cấp giấy báo tử lập Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ cấp “Bằng Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ (giải quyết dứt điểm từng trường hợp, trừ trường hợp cùng lúc giải quyết cho nhiều trường hợp hy sinh thì lập Danh sách kèm theo Tờ trình), gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết. Tách riêng thủ tục tặng “Bằng Tổ quốc ghi công” và tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công để thực hiện riêng.
Bước 3. Xác nhận thân nhân của liệt sĩ
Ủy ban nhân dân cấp xã – nơi trú quán trước khi hy sinh của liệt sĩ làm Giấy chứng nhận thân nhân của liệt sĩ, gửi đến cơ quan, đơn vị đã cấp giấy báo tử trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy báo tử và văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị đã cấp giấy báo tử.
Bước 4. Cấp Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền mất
Cơ quan, đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ suy tôn liệt sĩ, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thân nhân liệt sĩ cư trú ra Quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền mất cho thân nhân liệt sĩ.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, giải quyết trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan, đơn vị gửi đến và gửi Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện hoặc Phòng Nội vụ - Lao động xã hội huyện để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân của liệt sĩ cư trú thực hiện chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ.
(b) Đối với thương, bệnh binh nặng chết do vết thương tái phát;
Bước 1. Nộp hồ sơ: Gia đình chuẩn bị hồ sơ, gửi đến cơ quan, đơn vị đang thực hiện các chế độ ưu đãi trợ cấp thương tật cho thương binh. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị (xây dựng mẫu đơn);
- Giấy chứng nhận chết do vết thương tái phát của cơ sở y tế (đối với thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên); hoặc Bệnh án điều trị và biên bản kiểm thảo tử vong do vết thương tái phát của Giám đốc bệnh viện cấp tỉnh trở lên (đối với thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 80%);
- Giấy chứng nhận thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật.
Bước 2. Cơ quan, đơn vị nơi đang thực hiện chế độ ưu đã trợ cấp thương tật cho thương binh kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ và ghi phiếu hẹn.
Bước 3. Cơ quan, đơn vị nơi đang thực hiện chế độ ưu đãi trợ cấp thương tật cho thương binh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xác nhận thân nhân liệt sĩ, làm văn bản đề nghị công nhận liệt sĩ, trợ cấp tiền tuất theo quy định cho thân nhân liệt sĩ kèm theo hồ sơ gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để giải quyết theo quy định, chậm nhất trong thời hạn là 15 ngày làm việc.
Bước 4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ, làm Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất trong thời gian chậm nhất là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ theo quy định. Gửi Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Nội vụ - Lao động xã hội huyện (để thực hiện), đồng thời gửi đến cơ quan, đơn vị nơi tiếp nhận hồ sơ ban đầu (để trả Quyết định cho thân nhân gia đình liệt sĩ và yêu cầu cơ quan, đơn vị thông báo cho gia đình đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để nhận chế độ trợ cấp theo quy định).
Sau khi ra Quyết định chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập Tờ trình đề nghị Thủ tướng tặng “Bằng Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 5. Trả kết quả:
- Cơ quan, đơn vị nơi tiếp nhận hồ sơ ban đầu trả kết quả cho thân nhân gia đình liệt sĩ theo ngày hẹn đã ghi ở phiếu tiếp nhận hồ sơ và thông báo cho gia đình đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để nhận chế độ ưu đãi theo quy định;
- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân của liệt sĩ cư trú thực hiện chế độ ưu đãi cho thân nhân liệt sĩ theo quy định.
(c) Đối với các trường hợp đã hy sinh trong kháng chiến nhưng chưa được công nhận liệt sĩ nay được thân nhân đề nghị xét công nhận
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Gia đình có người đã hy sinh chuẩn bị hồ sơ, gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, gồm:
- Đơn đề nghị (xây dựng mẫu đơn);
- Giấy xác nhận thân nhân của người được đề nghị (do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú xác nhận – theo mẫu);
Kèm theo một trong các giấy tờ sau đây: Giấy xác nhận trường hợp hy sinh; Lý lịch quân nhân; Lý lịch cán bộ.
Bước 2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, ghi giấy hẹn.
Bước 3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, lập biên bản và hoàn chỉnh hồ sơ. Nếu có đầy đủ cơ sở, điều kiện để suy tôn liệt sĩ và giải quyết chế độ ưu đãi cho thân nhân liệt sĩ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra Quyết định công nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất cho thân nhân, gửi kết quả về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình liệt sĩ cư trú để thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định; đồng thời gửi Quyết định và thông báo cho gia đình liệt sĩ (theo thời gian ghi trong phiếu hẹn).
Sau đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập Tờ trình Thủ tướng về việc đề nghị tặng “Bằng Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ. Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công được tổ chức riêng, trang trọng tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân của liệt sĩ cư trú.
b) Về thời hạn để giải quyết:
Quy định rõ: giải quyết trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận trường hợp hy sinh hoặc hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ do gia đình người hy sinh gửi đến.
c) Về mẫu đơn:
Xây dựng mẫu đơn đề nghị công nhận liệt sĩ, bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây:
“- Họ và tên người đề nghị, ngày tháng năm sinh;
- Nguyên quán;
- Nơi thường trú hiện nay;
- Đề nghị: … xét công nhận liệt sĩ cho: … là thương binh … theo Giấy chứng nhận thương binh số: …,
Đã chết do vết thương tái phát trong khi điều trị tại: …
và đề nghị trợ cấp tiền tuất theo quy định hiện hành của Nhà nước cho thân nhân là những người có tên sau đây:
1. …
2. …”
Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực người có công (cấp giấy báo tử, cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất, cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ). Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật