Tính toán và chỉnh lý tài liệu quan trắc xâm nhập mặn như thế nào?
Tính toán và chỉnh lý tài liệu quan trắc xâm nhập mặn được quy định tại Điều 10 Thông tư 39/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:
1. Tính toán lập biểu độ mặn
Từ các kết quả quan trắc độ mặn theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 tiến hành tính toán và lập các loại biểu độ mặn M-1a và M-1b tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Lập biểu độ mặn đặc trưng
Ghi trị số độ mặn nhỏ nhất (độ mặn chân) và độ mặn lớn nhất (độ mặn đỉnh) vào biểu độ mặn đặc trưng M-2 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Độ mặn đỉnh và chân xuất hiện vào ngày nào thì ghi vào ngày đó.
3. Lập biểu độ mặn đặc trưng dọc sông
Trên đoạn sông khảo sát có từ 2 điểm đo trở lên thì lập biểu độ mặn đặc trưng dọc sông M-3 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Cột “Thời gian” ghi ngày, tháng thực đo của các điểm đo trên triền sông. Các điểm đo sắp xếp theo thứ tự từ cửa sông lên thượng nguồn. Dựa vào biểu M-3 để kiểm tra tính hợp lý của tài liệu.
4. Vẽ các đường quan hệ liên quan
a) Đường quan hệ độ mặn - mực nước của cùng 1 điểm đo.
b) Đường quan hệ độ mặn của 2 điểm đo trở lên trên cùng một sông.
c) Nội dung tính toán lập các biểu độ mặn và vẽ đường quan hệ liên quan chi tiết trong Phụ lục 2.
5. Chỉnh lý tài liệu quan trắc
a) Kiểm tra, phân tích số liệu
Thực hiện đối chiếu, kiểm tra tài liệu gốc:
- Thứ tự, ngày, giờ lấy mẫu;
- Vị trí đo, lấy mẫu;
- Mực nước, độ sâu, nhiệt độ nước;
- Kiểm tra phân tích kết quả, tính toán (sổ gốc, kết quả đo đạc, kết quả tính toán ngoài thực địa).
b) Kiểm tra tính hợp lý của tài liệu
b1) Kiểm tra tính hợp lý của tài liệu đo theo thời gian và không gian (sự phân bố mặn theo không gian, thời gian); đặc điểm cụ thể của điểm đo mặn trên sông (tình hình mạng lưới điểm đo, biểu độ mặn đặc trưng dọc sông (M-3) và đường quan hệ độ mặn giữa 2 điểm đo) để kiểm tra tính hợp lý của tài liệu.
b2) Tại các điểm đo trên cùng một sông (sắp xếp theo thứ tự từ cửa sông lên thượng nguồn): cùng một thời gian đo mặn thì độ mặn sẽ giảm dần từ cửa sông đến vị trí ranh giới mặn (độ mặn tại điểm đo ở thượng lưu thường nhỏ hơn độ mặn tại điểm đo ở hạ lưu). Độ mặn ở các điểm đo trên sông chính thường lớn hơn độ mặn ở các điểm đo trên sông nhánh và các điểm đo ở sâu trong nội đồng. Đỉnh và chân mặn của điểm đo ở thượng lưu xuất hiện muộn hơn đỉnh và chân mặn điểm đo ở hạ lưu.
b3) Tại một điểm đo:
- Đường quan hệ quá trình mặn và quá trình triều (mực nước) có dạng tương ứng giống nhau nhưng đường quá trình mặn thường chậm hơn đường quá trình triều;
- Khi lưu lượng từ thượng nguồn nhỏ, lưu lượng triều chảy vào vùng cửa sông sẽ lớn và độ mặn lớn, nếu ngược lại thì độ mặn sẽ nhỏ.
b4) Với những sông chịu ảnh hưởng giao lưu của các sông khác, quy luật trên đôi khi không chính xác cho những điểm đo ở sông nhánh, cần chú ý đến tài liệu đo nhiều năm để tìm quy luật.
b5) Dựa vào các quy luật trên, kiểm tra tính hợp lý, nếu phát hiện có vấn đề khả nghi cần phân tích tìm nguyên nhân. Nếu nguyên nhân tự nhiên cần có ghi chú, nếu nguyên nhân sai sót do người làm cần sửa đổi và hiệu chỉnh theo xu thế hợp lý của quy luật tự nhiên.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tính toán và chỉnh lý tài liệu quan trắc xâm nhập mặn. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 39/2016/TT-BTNMT.
Trân trọng thông tin đến bạn!