Nội dung quan trắc mặn trong điều tra khảo sát xâm nhập mặn
Nội dung quan trắc mặn trong điều tra khảo sát xâm nhập mặn được quy định tại Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:
Tại các điểm đo mặn đã được xác định, quan trắc theo các nội dung sau:
1. Đo độ sâu
a) Xác định độ sâu thủy trực (tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc thủy văn).
b) Xác định độ sâu các tầng đo mặn.
c) Ghi các giá trị độ sâu vào các biểu ghi độ mặn M-1a hoặc M-1b (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Đo độ mặn
Đo mặn được thực hiện theo hai phương pháp sau:
a) Đo độ mặn trực tiếp tại hiện trường (bằng máy)
- Trước khi đo, đầu đo phải được rửa sạch và tráng bằng nước cất.
- Thực hiện đo, đưa đầu đo xuống lần lượt các tầng đã xác định (chờ khoảng 1 phút) hoặc đo theo hướng dẫn sử dụng của máy đo.
- Ghi kết quả độ mặn, thời gian đo (giờ, ngày, tháng, năm) và hiện tượng thời tiết vào biểu ghi độ mặn M-1a hoặc M-1c (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Đối với máy đo mặn tự động liên tục, tùy theo điều kiện đo tại tầng giữa hoặc cả 3 tầng.
b) Đo độ mặn sau khi lấy mẫu
b1) Trước khi lấy mẫu và thực hiện đo, dụng cụ lấy mẫu và dụng cụ đựng mẫu nước phải được rửa sạch và tráng bằng nước cất.
b2) Thực hiện đo, đưa dụng cụ lấy mẫu xuống các tầng đã xác định, lấy đầy nước vào dụng cụ rồi kéo lên và đổ mẫu vào dụng cụ đựng mẫu.
b3) Xác định độ mặn bằng máy đo trực tiếp hoặc phương pháp Nitrat Bạc AgNO3 (thực hiện ngay sau khi lấy mẫu).
- Đo bằng máy:
+ Nhúng đầu đo chìm trong mẫu nước (chờ khoảng 1 phút). Hoặc đo theo hướng dẫn sử dụng máy đo;
+ Ghi kết quả độ mặn, thời gian lấy mẫu, đo mẫu (giờ, ngày, tháng, năm) và tình hình, hiện tượng thời tiết vào biểu ghi độ mặn M-1a hoặc M-1c (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này);
+ Khi chuyển đầu đo sang đo mẫu khác phải rửa sạch đầu đo bằng nước cất, dùng giấy thấm hoặc khăn mềm thấm khô đầu đo.
- Xác định độ mặn bằng phương pháp Nitrat Bạc AgNO3:
+ Xác định độ mặn bằng phương pháp AgNO3 chi tiết trong Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Ghi kết quả độ mặn, thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu (giờ, ngày, tháng, năm) và hiện tượng thời tiết vào biểu ghi độ mặn M-1b (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).
c) Sau mỗi đợt đo, đầu đo và các dụng cụ phân tích phải rửa sạch và tráng bằng nước cất, dùng giấy thấm hoặc khăn mềm thấm khô đầu đo và các dụng cụ phân tích để đưa vào bảo quản.
Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung quan trắc mặn trong điều tra khảo sát xâm nhập mặn. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 39/2016/TT-BTNMT.
Trân trọng thông tin đến bạn!