Các biện pháp chống dịch khẩn cấp
Các biện pháp chống dịch khẩn cấp được quy định tại Điều 24 Nghị định 71/2002/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm hoạ lớn, dịch bệnh nguy hiểm như sau:
1. Tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp chống dịch khẩn cấp sau đây:
a) Tổng tẩy uế, diệt khuẩn, khử độc ổ dịch;
b) Tổ chức cách ly và điều trị triệt để cho người bị nhiễm dịch bệnh, tiến hành theo dõi chặt chẽ sau điều trị đề phòng dịch bệnh tái phát;
c) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng;
d) Tiêu hủy ngay hàng hoá, vật phẩm có mang tác nhân gây bệnh;
đ) Tổ chức xử lý y tế và chôn cất người chết, xác động vật theo quy định của pháp luật;
e) Tăng cường các biện pháp kiểm tra y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh, hành lý, hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài những biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ theo loại dịch bệnh, có thể tiến hành các biện pháp chống dịch bắt buộc khác sau đây:
a) Uống thuốc dự phòng;
b) Sử dụng vắc xin hoặc kháng huyết thanh;
c) Phun hoá chất để diệt véc tơ truyền bệnh;
d) Cách ly, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh;
đ) Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về các biện pháp chống dịch khẩn cấp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 71/2002/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật