Phân biệt miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt
Trong khoa học pháp lý và thực tiễn việc phân biệt sự khác nhau giữa miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Chế định miễn trách nhiệm hình sự là hủy bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm khi có các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, tức là các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của nhà nước (cơ quan Điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát và Tòa án) căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Chế định miễn hình phạt là ở chỗ - Tòa án không quyết định hình phạt trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm, tức là không áp dụng đối với người này biện pháp cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất khi có đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện được quy định trong pháp luật hình sự.
Về bản chất pháp lý, các đặc điểm cơ bản và những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 19, Điều 15, khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 80, đoạn 2 khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314) và miễn hình phạt (quy định tại Điều 54 và khoản 3 Điều 314) vì đã được đề cập trong các bài viết liên quan đến hai chế định nói trên nên trong bài viết này chỉ tập trung đi sâu phân tích các điểm giống và khác nhau cơ bản giữa chúng theo hệ thống như sau.
Về các điểm giống nhau
Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt đều thuộc hệ thống các biện pháp tha miễn trong luật hình sự nước ta, thể hiện rõnguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự nói chung và của luật hình sự Việt Nam nói riêng.
Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người nào bị coi là có lỗi trong việc thực hiện chính tội phạm đó.
Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt chỉ có thể áp dụng khi có đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện cụ thể do pháp luật hình sự quy định tương ứng trong từng trường hợp cụ thể.
Cũng như người được miễn trách nhiệm hình sự, người được miễn hình phạt không phạt chịu hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội hoặc (và) của việc quyết định hình phạt - án tích.
Cũng như việc miễn trách nhiệm hình sự, bằng các quy phạm có tính chất nhân đạo của chế định miễn hình phạt, nhà làm luật không phải dùng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự và do đó, sẽ loại trừ được việc áp dụng hình phạt trong những trường hợp mặc dù hình phạt có được Tòa án quyết định đi chăng nữa nhưng trên thực tế là bất hợp lý vì các mục đích của nó không thể đạt được.
Và cuối cùng, với việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, Nhà nước không cách ly khỏi xã hội những người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm và như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ sớm thích nghi với các yêu cầu của trật tự pháp luật để trở lại cuộc sống bình thường trong cộng đồng xã hội, phấn đấu làm người lương thiện và có ích cho gia đình và xã hội.
Về các điểm khác nhau:
Nếu BLHS năm 1999 hiện hành của nước ta có quy định chín trường hợp (dạng) miễn trách nhiệm hình sự, thì các trường hợp miễn hình phạt trong Bộ luật này chỉ được ghi nhận tại hai điều luật mà thôi.
Trách nhiệm hình sự có thể được thực hiện bằng hình phạt (nếu người phạm tội không được miễn trách nhiệm hình sự, mà bị Tòa án áp dụng hình phạt), nhưng cũng có thể bằng biện pháp có tính cưỡng chế về hình sự khác (nếu người phạm tội được miễn hình phạt). Còn miễn trách nhiệm hình sự thì đương nhiên là không áp dụng hình phạt với người phạm tội, tức là không áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước đối với họ, nhưng miễn hình phạt thì không có nghĩa là không có trách nhiệm hình sự. Nói một cách khác, người được miễn hình phạt khi họ chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự, còn người được miễn trách nhiệm hình sự lại đương nhiên được miễn hình phạt.
Khác với miễn trách nhiệm hình sự, điều kiện được miễn hình phạt áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể không được quy định rõ ràng như miễn trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 54 BLHS năm 1999 thì các điều kiện để miễn hình phạt không khắt khe (chặt chẽ) bằng các điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, dưới góc độ pháp luật hình sự thực định và thực tiễn áp dụng nó, chúng ta có thể nhận thấy hành vi phạm tội và nhân thân người được miễn trách nhiệm hình sự thông thường đều ít nguy hiểm hơn so với hành vi phạm tội và nhân thân của người được miễn hình phạt. Nói một cách khác, hành vi phạm tội và nhân thân người được miễn hình phạt nguy hiểm hơn so với hành vi phạm tội và nhân thân người được miễn trách nhiệm hình sự.
Nếu hình phạt và việc áp dụng miễn hình phạt đối với người bị kết án chỉ có thể và phải do một cơ quan duy nhất áp dụng - Tòa án, thì trong khi đó miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, ngoài Tòa án có thẩm quyền áp dụng ra còn có thể do các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (cơ quan điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát) áp dụng trước khi xét xử tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể tương ứng.
Và cuối cùng, nếu người được miễn trách nhiệm hình sự đương nhiên không phải chịu hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội do mình thực hiện (như: không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác, không bị coi là có án tích và không bị coi là có tội), nhưng thực tiễn xét xử cho thấy, người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn có thể phải chịu một hoặc nhiều biện pháp tác động về mặt pháp lý thuộc các ngành luật tương ứng khác. Cụ thể là: các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; buộc phải hồi phục lại tình trạng ban đầu, buộc bồi thường thiệt hại… theo quy định của pháp luật dân sự; phạt tiền, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc theo quy định của pháp luật hành chính; đình chỉ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động; hoặc biện pháp kỷ luật… Để minh chứng điều này có thể dẫn ra văn bản hướng dẫn thống nhất có tính chất chỉ đạo của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5/1/1986 về việc Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS: “Khi đã miễn trách nhiệm hình sự thì Tòa án không được quyết định bất kỳ loại hình phạt nào nhưng vẫn có thể quyết định việc bồi thường cho người bị hại và giải quyết tang vật”. Trong khi đó, người được miễn hình phạt tuy đương nhiên được xóa án tích (khoản 1 Điều 64 BLHS năm 1999), nhưng họ vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp tư pháp (chung) được quy định trong pháp luật hình sự thực định (các Điều 41 - 43 BLHS năm 1999).
Xuất phát từ phân biệt hai chế định nói trên trong BLHS năm 1999 hiện hành, có thể rút ra một số kết luận chung dưới đây.
Thứ nhất, miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt là hai chế định quan trọng thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự nói chung, trong luật hình sự Việt Nam nói riêng. Hai chế định này chỉ có thể áp dụng khi có đầy đủ các căn cứ pháp lý và những điều kiện cụ thể do pháp luật hình sự quy định.
Thứ hai, việc quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam hai chế định này thể hiện phương châm đúng đắn của đường lối xử lý về hình sự - đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của nhà nước với các biện pháp tác động xã hội khác để cải tạo, giáo dục người phạm tội, bằng cách đó hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự.
Thứ ba, trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay để nhân đạo hóa hơn nữa chính sách hình sự nói chung và luật hình sự nước ta nói riêng, dưới góc độ nhận thức - khoa học, nhà làm luật cần điều chỉnh hai chế định độc lập này thành hai chương riêng biệt tương ứng trong BLHS năm 1999 hiện hành, với sự ghi nhận bổ sung thêm một số trường hợp thường có trong thực tiễn3 có thể áp dụng hai chế định này.
Và cuối cùng, việc tiếp tục nghiên cứu về mặt lý luận chế định miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt để phân biệt chúng có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Thư Viện Pháp Luật