Mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 4 Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Đối với các nội dung chi quy định tại khoản 1 đến khoản 13 Điều 3 đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành thực hiện theo chế độ hiện hành.
2. Ngoài ra, Thông tư hướng dẫn thêm một số khoản chi có tính chất đặc thù trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, gồm:
a) Chi tổ chức cuộc thi, hội thi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;
b) Chi mua, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc thanh toán căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm; trường hợp thuộc diện phải đấu thầu mua sắm thì thực hiện theo các quy định của pháp luật đấu thầu;
c) Chi công bố kết quả xử lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo định mức, đơn giá của các ngành có công việc tương tự và theo chứng từ chi thực tế hợp pháp và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện;
d) Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng: Mức chi tối đa 500.000 đồng/hồ sơ;
đ) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (nếu có), theo hóa đơn, chứng từ chi thực tế hợp pháp, hợp lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm.
Trên đây là nội dung câu trả lời về mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 19/2017/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật