Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép trong hoạt động ngoại hối
Theo quy định tại Điều 35 Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành được bổ sung bởi Khoản 34 Điều 1 Thông tư 28/2016/TT-NHNN thì trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép trong hoạt động ngoại hối được quy định cụ thể như sau:
- Khi thực hiện hoạt động ngoại hối, tổ chức tín dụng được phép phải tuân thủ đúng các nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động, Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép, các văn bản chấp thuận có thời hạn (nếu có), các quy định tại Thông tư này, các quy định về quản lý ngoại hối và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
- Chấp hành quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Xây dựng và tự chịu trách nhiệm về nội dung của quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động ngoại hối; Chỉ được thực hiện hoạt động ngoại hối khi đã xây dựng quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ; Thực hiện hoạt động ngoại hối theo đúng quy trình nội bộ đã xây dựng. Các giao dịch phải được kiểm soát theo quy định, hiện hành về kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.
- Niêm yết tỷ giá mua, tỷ giá bán ngoại tệ và thực hiện việc mua, bán ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng, tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu trữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật; Cung cấp thông tin về các loại rủi ro có thể phát sinh đối với khách hàng được cung cấp dịch vụ ngoại hối.
- Hướng dẫn nghiệp vụ và định kỳ kiểm tra hoạt động của các đại lý do tổ chức tín dụng được phép ủy thác trong việc chấp hành các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Xây dựng quy định về phân cấp ủy quyền trong nội bộ hệ thống nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động ngoại hối.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý thông tin của khách hàng đảm bảo yêu cầu báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan khi có yêu cầu.
- Khi thực hiện hoạt động ngoại hối, tổ chức tín dụng được phép phải báo cáo về hoạt động ngoại hối theo quy định về chế độ báo cáo thống kê và các báo cáo khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, tổ chức tín dụng được phép thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
- Đảm bảo đáp ứng đủ và duy trì các điều kiện quy định tại Thông tư này.
- Khi thực hiện hoạt động gửi tiền tại chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại ở nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 10 tháng đầu quý sau, ngân hàng thương mại gửi báo cáo về số dư tiền gửi tại chi nhánh, công ty con ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng).
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép trong hoạt động ngoại hối. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 21/2014/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật