Đại hội đồng cổ đông trong trường đại học tư thục được quy định như thế nào?
Đại hội đồng cổ đông trong trường đại học tư thục được quy định tại Điều 20 Điều lệ trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg như sau:
1. Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả các thành viên góp vốn của trường đại học tư thục.
2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nhiệm vụ sau đây:
a) Bầu đại diện thành viên góp vốn tham gia vào hội đồng quản trị; bầu, miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát của trường; giải quyết các yêu cầu bổ sung, thay đổi thành viên hội đồng quản trị là đại diện thành viên góp vốn; đề xuất với hội đồng quản trị về việc không công nhận đại diện thành viên góp vốn trong hội đồng quản trị;
b) Thông qua chiến lược đầu tư và kế hoạch phát triển cơ sở vật chất của nhà trường do hội đồng quản trị đề xuất;
c) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của trường, những quy định có liên quan đến tài chính trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
d) Thông qua quy chế tài chính nội bộ của trường;
đ) Thông qua nghị quyết về tăng, giảm vốn điều lệ, kế hoạch huy động vốn dưới mọi hình thức;
e) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
3. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên hoặc bất thường; mọi chi phí cho việc triệu tập và tổ chức họp đại hội đồng cổ đông được tính trong kinh phí hoạt động của nhà trường.
Cuộc họp thường niên của đại hội đồng cổ đông được tổ chức bắt buộc mỗi năm một lần trong thời gian 4 tháng đầu của năm tài chính. Cuộc họp bất thường của đại hội đồng cổ đông được triệu tập theo một trong những trường hợp sau đây:
a) Theo quyết định của Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng quản trị kiến nghị tổ chức cuộc họp vì lợi ích của nhà trường;
b) Cần bổ sung hoặc thay thế thành viên góp vốn của hội đồng quản trị;
c) Cá nhân hoặc nhóm thành viên góp vốn sở hữu trên 30% tổng số vốn góp kiến nghị họp bằng văn bản khi phát hiện hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền, trái với quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của nhà trường;
d) Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị đã kéo dài quá 6 tháng nhưng chưa tổ chức cuộc họp để bầu hội đồng quản trị mới thay thế;
đ) Các trường hợp khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
4. Điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông
a) Cuộc họp đại hội đồng cổ đông được coi là hợp lệ khi có số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp tham dự cuộc họp;
b) Để xử lý cùng một nội dung công việc, trường hợp cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất không bảo đảm quy định tại Điểm a Khoản này, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp lần thứ nhất, đại hội đồng cổ đông được triệu tập họp lần thứ 2 và được coi là hợp lệ khi có số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 51% tổng số vốn góp tham dự họp; trường hợp cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần thứ 2 vẫn chưa hợp lệ thì sau 20 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp lần thứ 2, đại hội đồng cổ đông được tổ chức họp không phụ thuộc vào số lượng và tỷ lệ số vốn góp của các thành viên góp vốn dự họp;
c) Việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông (thường niên hoặc bất thường) phải được thực hiện theo hình thức thông báo mời họp bằng văn bản; thông báo mời họp phải kèm theo dự kiến chương trình, nội dung cuộc họp và các tài liệu liên quan và phải được gửi cho tất cả các thành viên góp vốn bằng hình thức thư bảo đảm hoặc thư phát chuyển nhanh, có ký xác nhận của người nhận ít nhất 7 ngày trước ngày họp;
d) Các cuộc họp thường niên hoặc bất thường của đại hội đồng cổ đông do Chủ tịch hội đồng quản trị triệu tập; trong trường hợp Chủ tịch hội đồng quản trị không triệu tập họp theo kế hoạch của hội đồng quản trị hoặc theo kiến nghị quy định tại Khoản 3 Điều này, thì sau 30 ngày kể từ ngày dự kiến họp theo kế hoạch của hội đồng quản trị hoặc sau 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị họp bất thường, các thành viên góp vốn có kiến nghị triệu tập họp nêu ở Điểm c Khoản 3 Điều này chọn một thành viên hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát triệu tập họp đại hội đồng cổ đông và cuộc họp đó được coi là hợp lệ.
5. Nội dung các cuộc họp đại hội đồng cổ đông phải được ghi đầy đủ vào biên bản cuộc họp và được thông qua ngay tại cuộc họp, có chữ ký của người chủ trì và thư ký cuộc họp để lưu trữ. Quyết định của đại hội đồng cổ đông phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp và phải được gửi đến từng thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua.
6. Quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp có hiệu lực khi được số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp chấp thuận, trừ trường hợp có quy định cao hơn của pháp luật, của Điều lệ này hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Việc biểu quyết bầu đại diện góp vốn vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi thành viên góp vốn có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tỷ lệ vốn góp đang sở hữu nhân với số thành viên được bầu vào hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát và thành viên góp vốn có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.
7. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết định được thông qua, thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét hủy bỏ Quyết định của đại hội đồng cổ đông theo một trong các trường hợp: Đại hội đồng cổ đông được tổ chức họp không bảo đảm các quy định tại Điều này hoặc nội dung quyết định của đại hội đồng cổ đông vi phạm pháp luật; vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Trên đây là nội dung tư vấn về Đại hội đồng cổ đông trong trường đại học tư thục. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 70/2014/QĐ-TTg.
Trân trọng thông tin đến bạn!