Khen thưởng trong ngành Tư pháp gồm những loại hình nào?

Các loại hình khen thưởng trong ngành Tư pháp được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM trong lĩnh vực tư pháp. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm về các quy định đối với hoạt động thi đua, khen thưởng trong ngành. Qua một vài tài liệu, tôi được biết, hoạt động thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp được tiến hành dưới nhiều hình thức và mỗi danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng lại bao gồm các tiêu chuẩn riêng. Cho tôi hỏi, hiện nay, khen thưởng trong ngành Tư pháp gồm những loại hình nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Vũ Hoàng Anh (anh***@gmail.com)

Ngày 14/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 14/2015/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về đối tượng thi đua, khen thưởng; tổ chức phát động phong trào thi đua; danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn hình thức khen thưởng; thẩm quyền quyết định, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng khoa học, sáng kiến; Cụm, Khu vực thi đua và Quỹ Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp.

Theo đó, các loại hình khen thưởng trong ngành Tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 19 Thông tư 14/2015/TT-BTP. Cụ thể như sau:

1. Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được là hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Khen thưởng theo chuyên đề hoặc theo đợt là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc đợt thi đua do Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phát động.

Trường hợp phát động, tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi cả nước khi sơ kết, tổng kết từ 03 năm trở lên, được lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; từ 05 năm trở lên, được lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Chủ tịch nước xét, tặng “Huân chương Lao động" hạng ba.

3. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã đạt được thành tích đột xuất trong lao động, sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu; dũng cảm cứu người, tài sản của nhân dân hoặc của Nhà nước (thành tích đột xuất là thành tích lập được trong hoàn cảnh không được dự báo trước, diễn ra ngoài dự kiến kế hoạch công việc bình thường mà tập thể, cá nhân phải đảm nhận).

4. Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia trong các giai đoạn cách mạng (giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội) có công lao, thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

5. Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài đã có thành tích, có đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc lĩnh vực khác.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các loại hình khen thưởng trong ngành Tư pháp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 14/2015/TT-BTP. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào