Danh hiệu Lao động tiên tiến trong ngành Tư pháp gồm những tiêu chuẩn gì?

Tiêu chuẩn đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong ngành Tư pháp được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng trong lĩnh vực tư pháp. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm về các quy định đối với hoạt động thi đua, khen thưởng trong ngành. Qua một vài tài liệu, tôi được biết, hoạt động thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp được tiến hành dưới nhiều hình thức và mỗi danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng lại bao gồm các tiêu chuẩn riêng. Cho tôi hỏi, hiện nay, danh hiệu  “Lao động tiên tiến” gồm những tiêu chuẩn gì? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Thanh Vân (van***@gmail.com)

Ngày 14/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 14/2015/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về đối tượng thi đua, khen thưởng; tổ chức phát động phong trào thi đua; danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn hình thức khen thưởng; thẩm quyền quyết định, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng khoa học, sáng kiến; Cụm, Khu vực thi đua và Quỹ Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp.

Theo đó, tiêu chuẩn đối với  danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong ngành Tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 13 Thông tư 14/2015/TT-BTP. Cụ thể như sau:

1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;

b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;

c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.

2. Trường hợp cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

3. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

4. Cá nhân là nữ nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật thì thời gian nghỉ vẫn được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

5. Đối với cá nhân chuyển công tác, cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm xem xét, bình bầu danh hiệu “Lao động tiên tiến”, trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ.

6. Cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc xem xét, bình bầu danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định trên cơ sở ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái.

7. Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp: Mới tuyển dụng dưới 10 tháng, nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về tiêu chuẩn đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong ngành Tư pháp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 14/2015/TT-BTP. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào