Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Thùy Dung, đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Tôi đang cần tìm hiểu các quy định liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Cho tôi hỏi: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được quy định ra sao? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.     

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 47/2015/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 169/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành thì nội dung này được quy định như sau:    

1. Những người quy định tại các điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 và Điều 20 Nghị định số 169/2013/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

2. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải xảy ra ở khu vực biên giới biển, khu vực cửa khẩu cảng biển quy định tại Điều 12 Nghị định số 169/2013/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo quy định tại Điều 72 Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

3. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia không thuộc thẩm quyền của mình, cơ quan, lực lượng trực tiếp phát hiện tiến hành tạm giữ người, phương tiện, tang vật vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề chuyển giao cho Bộ đội Biên phòng hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt nơi gần nhất để xử lý theo quy định;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện;

c) Thẩm quyền xử phạt của những người quy định tại các điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 và Điều 20 Nghị định số 169/2013/NĐ-CP được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm. Nếu mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt hoặc hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định được áp dụng không thuộc thẩm quyền của mình, thì người đang thụ lý vụ vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ, tang vật, phương tiện vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.     

Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 47/2015/TT-BQP.

Trân trọng!                                               

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào