Công tác cọc trong xây dựng công trình được pháp luật hướng dẫn xử lý như thế nào?
Công tác cọc trong xây dựng công trình được pháp luật hướng dẫn xử lý theo quy định tại Khoản 5.7 Tiểu Mục 5 Mục 2 Quyết định 451/QĐ-BXD năm 2016 công bố Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, cụ thể như sau:
5.7. Công tác cọc
- Khối lượng cọc phải được đo bóc, phân loại theo loại vật liệu chế tạo cọc (cọc tre, gỗ, bê tông cốt thép, thép), kích thước cọc (chiều dài mỗi cọc, đường kính, tiết diện), biện pháp đóng cọc, độ sâu đóng cọc, cấp đất đá, điều kiện thi công (trên cạn, dưới nước, môi trường nước ngọt, nước lợ, nước mặn) và biện pháp thi công (thủ công, thi công bằng máy).
- Độ sâu đóng cọc được đo dọc theo trục của cọc từ điểm bắt đầu tiếp xúc với mặt đất tới cao độ mũi cọc.
- Các thông tin liên quan đến các yêu cầu cần thiết khi đóng cọc, nối cọc, phá dỡ đầu cọc cần được ghi rõ trong Bảng tính toán, đo bóc khối lượng xây dựng.
- Đối với kết cấu cọc Barrete hay cọc bê tông cốt thép đúc sẵn tại hiện trường, việc đo bóc khối lượng công tác bê tông, cốt thép cọc như hướng dẫn về khối lượng công tác bê tông (mục 5.4) và cốt thép (mục 5.6) nói trên.
- Các ống vách để lại vĩnh viễn phải được ghi rõ trong Bảng tính toán, đo bóc khối lượng xây dựng.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc hướng dẫn xử lý công tác cọc trong xây dựng công trình theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 451/QĐ-BXD.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật