Quan hệ giữa cơ quan quản lý nơi tiếp công dân của Bộ Quốc phòng với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc của công dân

Mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân của Bộ Quốc phòng với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc của công dân được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về công tác tiếp công dân tại một số cơ quan hành chính Nhà nước trong đó có Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, cơ quan quản lý nơi tiếp công dân của Bộ Quốc phòng với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc của công dân có mối quan hệ ra sao? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!   Đức Tuấn (tuan***@gmail.com)

Ngày 21/04/2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 59/2016/TT-BQP quy định tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng. Thông tư này quy định về tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa Điểm tiếp công dân (gọi chung là nơi tiếp công dân) của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (gọi chung là cơ quan, đơn vị) trong Bộ Quốc phòng; nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người tiếp công dân; mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và các Điều kiện đảm bảo cho hoạt động của trụ sở tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng.

Theo đó, mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân của Bộ Quốc phòng với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc của công dân là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại  Khoản 3 Điều 7 Thông tư 59/2016/TT-BQP. Cụ thể như sau: 

1. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do cơ quan quản lý nơi tiếp công dân (sau đây gọi chung là cơ quan tiếp công dân) các cấp chuyển đến. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải trả lời (bằng văn bản) cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông báo cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chuyển đơn đến biết việc thụ lý hay không thụ lý.

2. Cơ quan tiếp công dân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, yêu cầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết thông báo (bằng văn bản) kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để cơ quan tiếp công dân trả lời cho công dân biết.

3. Trường hợp cơ quan tiếp công dân đã yêu cầu nhiều lần nhưng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết vẫn không thực hiện hoặc cố tình không chấp hành thì Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân có quyền kiến nghị chỉ huy cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết; đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo hoặc biện pháp xử lý của chỉ huy cấp mình.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân của Bộ Quốc phòng với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc của công dân. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 59/2016/TT-BQP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Quốc phòng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào