Yêu cầu đối với việc đo bóc khối lượng xây dựng công trình
Yêu cầu đối với việc đo bóc khối lượng xây dựng công trình được quy định tại Tiểu Mục 1 Mục 2 Quyết định 451/QĐ-BXD năm 2016 công bố Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, cụ thể như sau:
1. Yêu cầu đối với việc đo bóc khối lượng xây dựng công trình
1.1. Yêu cầu đối với Bảng khối lượng xây dựng:
- Mục tiêu của Bảng khối lượng xây dựng là cung cấp các thông tin về khối lượng và các thông tin có liên quan khác của công tác xây dựng để làm cơ sở xác định chi phí xây dựng.
- Bảng khối lượng xây dựng có thể được lập cho toàn bộ công trình hoặc lập riêng cho từng hạng mục công trình.
- Nội dung chủ yếu của Bảng khối lượng xây dựng bao gồm: Danh mục các công tác/nhóm công tác, đơn vị tính, cách thức xác định khối lượng, kết quả xác định khối lượng, các thông tin mô tả công việc (nếu cần thiết). Việc bố trí và trình bày nội dung trong Bảng khối lượng xây dựng phải đơn giản và ngắn gọn.
- Tất cả các công tác/nhóm công tác xây dựng cần thực hiện phải được ghi trong Bảng khối lượng xây dựng.
- Các công tác/nhóm công tác trong Bảng khối lượng xây dựng phải đầy đủ các thông tin để có thể phân biệt giữa các công tác/nhóm công tác khác nhau, và giữa công tác có cùng đặc điểm được tiến hành ở các vị trí khác nhau hoặc trong các điều kiện khác nhau.
Mẫu Bảng khối lượng xây dựng tham khảo Phụ lục I.
1.2. Khối lượng xây dựng công trình phải được đo, đếm, tính toán theo trình tự phù hợp với quy trình công nghệ, trình tự thi công xây dựng công trình. Khối lượng đo bóc cần thể hiện được tính chất, kết cấu công trình, vật liệu chủ yếu sử dụng và phương pháp thi công, đảm bảo đủ điều kiện để xác định chi phí xây dựng.
1.3. Tùy theo đặc điểm và tính chất từng loại công trình xây dựng, khối lượng xây dựng đo bóc có thể phân định theo bộ phận công trình như phần ngầm (cốt 0.00 trở xuống), phần nổi (cốt 0.00 trở lên), phần hoàn thiện và phần xây dựng khác hoặc theo hạng mục công trình. Khối lượng xây dựng đo bóc của bộ phận công trình hoặc hạng mục công trình theo tính chất được phân thành nhóm các công tác xây dựng và nhóm các công tác lắp đặt.
1.4. Các thuyết minh, ghi chú hoặc chỉ dẫn liên quan tới quá trình đo bóc cần nêu rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và đúng quy phạm, phù hợp với hồ sơ thiết kế công trình xây dựng. Khi tính toán những công việc cần diễn giải thì phải có diễn giải cụ thể như độ cong vòm, tính chất của các chất liệu (gỗ, bê tông, kim loại...), điều kiện thi công (trên cao, độ sâu, trên cạn, dưới nước...).
1.5. Các kích thước ghi trong phần diễn giải tính toán tại Bảng tính toán, đo bóc khối lượng công trình được ghi theo thứ tự ưu tiên chiều dài, chiều rộng, chiều cao (hoặc chiều sâu).
1.6. Các ký hiệu dùng trong Bảng tính toán, đo bóc khối lượng công trình, hạng mục công trình phải phù hợp với ký hiệu đã thể hiện trong bản vẽ thiết kế. Các khối lượng theo thống kê của thiết kế thì phải ghi rõ theo số liệu thống kê của thiết kế và chỉ rõ số hiệu của bản vẽ thiết kế có thống kê đó.
1.7. Đơn vị tính: Tùy theo yêu cầu quản lý và thiết kế được thể hiện, mỗi một khối lượng xây dựng sẽ được xác định theo một đơn vị đo phù hợp có tính tới sự phù hợp với đơn vị tính của công tác xây dựng đó trong hệ thống định mức dự toán hoặc đơn giá xây dựng công trình. Đơn vị tính theo thể tích là m3; theo diện tích là m2; theo chiều dài là m; theo số lượng là cái, bộ, đơn vị …., theo trọng lượng là tấn, kg...
1.8. Đối với những công tác đã có trong danh mục định mức hoặc đơn giá xây dựng được cấp có thẩm quyền công bố thì tên gọi các công tác đó ghi trong Bảng tính toán, đo bóc khối lượng, Bảng khối lượng xây dựng công trình, hạng mục công trình phù hợp với tên gọi công tác xây lắp tương ứng trong hệ thống định mức dự toán hoặc đơn giá xây dựng công trình.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập về yêu cầu đối với việc đo bóc khối lượng xây dựng công trình, theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 451/QĐ-BXD.
Trân trọng1
Thư Viện Pháp Luật