Kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu

Kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Thiện Quỳnh. Hiện tại, công việc của tôi có liên quan đến lĩnh vực nuôi thủy sản. Vì vậy, tôi cần tìm hiểu một số thông tin, Ban biên tập cho tôi hỏi: Kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi mong sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập! (quynh***@gmail.com)

Kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu được quy định tại Điều 18 Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:

1. Nguyên tắc kiểm tra:

a) Việc kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau: Giống thủy sản nhập khẩu để khảo nghiệm, nghiên cứu, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm.

b) Việc giảm, miễn kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản nhập khẩu dựa trên hồ sơ lưu trữ và kết quả kiểm tra cùng một sản phẩm của cùng nhà sản xuất trong thời gian trước đó, tối thiểu 03 lô hàng (đối với trường hợp giảm kiểm tra), 05 lô hàng (đối với trường hợp miễn kiểm tra) liên tiếp đạt chất lượng, Tổng cục Thuỷ sản quyết định và có văn bản thông báo về việc giảm, miễn kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản nhập khẩu cho doanh nghiệp.

c) Địa điểm kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản nhập khẩu là địa điểm thực hiện cách ly kiểm dịch.

d) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống thuỷ sản sau khi đã thực hiện xong thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu, gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản nhập khẩu về Cơ quan kiểm tra chất lượng.

2. Cơ quan kiểm tra chất lượng:

a) Tổng cục Thuỷ sản: Kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực nhập khẩu.

b) Cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi nuôi cách ly kiểm dịch: Kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản nhập khẩu (trừ giống thủy sản bố mẹ chủ lực).

3. Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu về Cơ quan kiểm tra chất lượng. Hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị kiểm tra chất lượng (03 bản) theo mẫu tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao chụp (có đóng dấu của cơ sở nhập khẩu) các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, bản kê chi tiết hàng hoá (Packinglist), hoá đơn mua bán (Invoice).

4. Trình tự thực hiện:

a) Ngay khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra, Cơ quan kiểm tra chất lượng xem xét và hướng dẫn cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định.

b) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trong thời gian không quá 01 ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, trong đó có thông báo cho cơ sở về nội dung kiểm tra, thống nhất thời gian và địa điểm kiểm tra chất lượng và gửi lại cho tổ chức, cá nhân 02 bản giấy đăng ký đã có xác nhận của Cơ quan kiểm tra chất lượng.

5. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra thực tế lô giống nhập khẩu so với hồ sơ đăng ký;

b) Các chỉ tiêu kiểm tra đối với giống thủy sản bố mẹ: Kiểm tra kích cỡ, số lượng, tuổi, độ thuần chủng, kích cỡ sinh sản, độ thành thục, tỷ lệ đực cái, trạng thái hoạt động, cấu tạo hình thái, chỉ tiêu khác về chất lượng của giống thủy sản so với các quy định hiện hành của Việt Nam.

c) Các chỉ tiêu kiểm tra đối với con giống thủy sản để nuôi thương phẩm: Kiểm tra kích cỡ, số lượng, tuổi, độ thuần chủng, trạng thái hoạt động, cấu tạo hình thái, chỉ tiêu khác về chất lượng của giống thủy sản so với các quy định hiện hành của Việt Nam.

6. Xử lý kết quả kiểm tra:

a) Sau khi có kết quả kiểm tra (không quá 01 ngày làm việc) cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo đạt chất lượng (theo mẫu tại Phụ lục 13) đối với lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu và gửi cho tổ chức, cá nhân đăng ký.

b) Trường hợp kết quả kiểm tra không đảm bảo chất lượng theo quy định, Cơ quan kiểm tra có văn bản Thông báo không đạt chất lượng (theo mẫu tại Phụ lục 13) cho tổ chức, cá nhân đăng ký và xử lý vi phạm theo quy định.

Trên đây là nội dung quy định về kiểm tra chất lượng giống thủy sản nhập khẩu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào