Kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất kinh doanh
Kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất kinh doanh được quy định tại Điều 17 Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:
1. Nguyên tắc kiểm tra:
a) Việc kiểm tra chất lượng giống thủy sản (bao gồm cả các quy định về bệnh) được thực hiện tại cơ sở sản xuất.
b) Việc kiểm tra chất lượng giống thủy sản tại địa phương nơi tiếp nhận chỉ được thực hiện khi có nghi vấn. Nội dung và trình tự kiểm tra thực hiện theo nội dung, trình tự kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất.
c) Kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản trong sản xuất kinh doanh thực hiện theo hình thức Đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra do cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản thành lập, cơ quan quản lý thú y tham gia, phối hợp (nếu cần).
2. Cơ quan kiểm tra:
a) Tổng cục Thuỷ sản: Kiểm tra đột xuất về chất lượng giống thuỷ sản trong sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước.
b) Cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản trong sản xuất kinh doanh.
3. Căn cứ kiểm tra:
a) Tiêu chuẩn cơ sở đã công bố áp dụng;
b) Quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chất lượng giống thuỷ sản.
4. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra chất lượng giống thủy sản trên cơ sở các chỉ tiêu chất lượng đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc đăng ký áp dụng (kích cỡ, số lượng, chủng loại, tuổi, độ thuần chủng, tỷ lệ phân đàn, trạng thái hoạt động của giống thủy sản, thời gian sử dụng, số lần cho sinh sản,...) theo Khoản 3 Điều này;
b) Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, dấu hợp chuẩn và hồ sơ trong quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản;
c) Lấy mẫu, xét nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của giống thủy sản với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Việc kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm này được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng sau khi thực hiện các nội dung quy định tại điểm a, điểm b, Khoản 4 Điều này.
5. Hình thức kiểm tra:
a) Theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt: là hình thức kiểm tra được thông báo trước bằng văn bản.
b) Kiểm tra đột xuất: là hình thức kiểm tra không báo trước.
6. Trình tự kiểm tra chất lượng giống thủy sản:
a) Công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra;
b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Lập biên bản kiểm tra;
d) Thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh và báo cáo cho Cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra;
đ) Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật