Thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản
Thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản được quy định tại Điều 13 Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo nghiệm giống thủy sản nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Tổng cục Thủy sản, hồ sơ gồm:
a) Đơn đăng ký khảo nghiệm giống thuỷ sản (theo Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Đề cương khảo nghiệm giống thuỷ sản (theo Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Hợp đồng khảo nghiệm giữa tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm với cơ sở khảo nghiệm đã được Tổng cục Thủy sản công nhận;
d) Tài liệu kỹ thuật về đặc tính sinh học, sinh sản, sinh trưởng của giống mới.
2. Trình tự thực hiện:
a) Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc Tổng cục Thủy sản kiểm tra nếu hồ sơ chưa đầy đủ phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
b) Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổng cục Thuỷ sản tổ chức thẩm định Đề cương khảo nghiệm và trả lời bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý hoặc đề nghị chỉnh sửa.
c) Cơ sở khảo nghiệm thực hiện khảo nghiệm theo đề cương đã được Tổng cục Thủy sản phê duyệt.
d) Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm, Cơ sở khảo nghiệm gửi báo cáo kết quả khảo nghiệm cho tổ chức, cá nhân có giống thủy sản đăng ký khảo nghiệm (theo Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Giám sát khảo nghiệm:
a) Đơn vị giám sát: Cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương nơi tiến hành khảo nghiệm.
b) Nội dung giám sát: Theo các nội dung trong đề cương khảo nghiệm giống thủy sản.
c) Trong thời gian giám sát nếu có vấn đề đột xuất, đơn vị giám sát yêu cầu cơ sở khảo nghiệm thực hiện theo đúng đề cương đã được duyệt.
d) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm, đơn vị giám sát khảo nghiệm gửi báo cáo kết quả giám sát về Tổng cục Thủy sản và tổ chức, cá nhân có giống thủy sản khảo nghiệm.
4. Kiểm tra khảo nghiệm:
a) Kiểm tra định kỳ: Tổng cục Thủy sản tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động khảo nghiệm giống thủy sản theo định kỳ không quá 02 lần trong thời gian khảo nghiệm. Nội dung và thời gian kiểm tra được thông báo trước cho cơ sở khảo nghiệm và tổ chức, cá nhân có giống thủy sản đăng ký khảo nghiệm.
b) Kiểm tra đột xuất: Trường hợp cần thiết, không thông báo trước, Tổng cục Thủy sản tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp công tác khảo nghiệm giống thủy sản.
c) Thành phần đoàn kiểm tra: Là đại diện cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản và đơn vị quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương (nếu cần).
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật