Trường đại học nào tự chủ tài chính?
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngày 24/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014-2017. Tự chủ theo Nghị quyết 77/NĐ-CP được hiểu là khả năng độc lập và tự quản trị của cơ sở giáo dục công lập. Yêu cầu về tự chủ xuất phát từ nhu cầu nâng cao khả năng đáp ứng của trường đại học với môi trường xã hội, kinh tế và thích ứng với sáng tạo và công nghệ thay đổi.
Về tài chính: Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 thì mức học phí khi tự chủ tài chính được xác định như sau:
- Quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước;
- Quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức học phí bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức học phí bình quân tối đa nêu trên; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh.
Các trường đại học tự chủ tài chính: Theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH được phê duyệt đề án tự chủ hiện nay gồm: ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Điện lực, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính - marketing, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội, Học viện Nông nghiệp VN, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM...
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề tự chủ tài chính của các trường đại học. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014.
Trân trọng!