Hoạt động khen thưởng trong Quân đội được thực hiện theo nguyên tắc nào?

Nguyên tắc khen thưởng trong Quân đội được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên trường Học viện lục quân 2. Trong quá trình học, em có tìm hiểu về công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội. Tuy nhiên, một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, hoạt động khen thưởng trong Quân đội được thực hiện theo nguyên tắc nào? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Xuân Trường (truong***@gmail.com)

Ngày 09/11/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 160/2014/TT-BQP hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây viết gọn là Quân đội).

Theo đó, nguyên tắc khen thưởng trong quân đội là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 160/2014/TT-BQP. Cụ thể như sau:

Nguyên tắc khen thưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng; Khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các quy định sau:

a) Khen thưởng các hình thức, mức hạng phải phù hợp với tính chất từng loại hình thành tích, tương xứng với kết quả đạt được hoặc mức độ công lao, đóng góp, cống hiến của từng tập thể, cá nhân. Thành tích đạt được nhiều, công lao đóng góp lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng hoặc lập được thành tích trong điều kiện khó khăn, phức tạp thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức hạng cao hơn. Chú trọng khen thưởng cho cá nhân, tập thể trực tiếp làm nhiệm vụ và có nhiều sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

b) Trong một năm không đề nghị hai hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một đối tượng, trừ các trường hợp khen thưởng thành tích đột xuất. Các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước gồm: Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Huân chương”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

c) Xét khen thưởng trong các ngành, đoàn thể quần chúng và trong sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo chuyên đề chỉ sử dụng các hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của người phụ trách, đứng đầu ngành, đoàn thể quần chúng; trường hợp thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu có ảnh hưởng đối với toàn quân, toàn quốc thì đề nghị Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước khen thưởng; mức khen cao nhất đến “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba” hoặc “Huân chương Lao động hạng Ba”;

d) Khen thưởng đối với cá nhân lãnh đạo, chỉ huy chủ trì cơ quan, đơn vị, ngoài việc phải căn cứ vào thành tích của cá nhân còn phải căn cứ vào thành tích của tập thể cơ quan, đơn vị do cá nhân đó phụ trách. Chỉ khen thưởng cá nhân lãnh đạo, chỉ huy chủ trì cơ quan, đơn vị khi tập thể được khen thưởng;

đ) Nữ quân nhân, công chức, viên chức quốc phòng là cán bộ chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị, khi xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 03 năm so với quy định chung về thời gian đảm nhiệm chức vụ;

e) Mốc thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ ngày ban hành quyết định khen thưởng lần trước liền kề.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nguyên tắc khen thưởng trong quân đội. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 160/2014/TT-BQP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào