Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí đường bộ

Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí đường bộ được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập, tôi là Nguyễn Đức Anh đang là cộng tác viên của Báo tuổi trẻ, gần đây vì bài viết trong chuyên đề sắp tới có liên quan đến chi phí cho các trạm thu phí đường bộ, nhưng tôi còn thắc mắc về vấn đề sau muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp, cụ thể là nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí đường bộ được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu về vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập? Chân thành cảm ơn!

Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí đường bộ được quy định tại Tiểu Mục 2 Mục 1 Thông tư liên tịch 78/2003/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn khoán chi hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí đường bộ do Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính ban hành, quy định cụ thể như sau:

2. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí:

2.1. Đối với các Trạm thu phí đường quốc lộ:

Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí được tính 20% trên số phí đường bộ thực thu được hàng năm (Trong đó: 5% chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí cho các trạm thu phí, 15% chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí); Số còn lại 80% nộp vào ngân sách trung ương, hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay). Việc phân bổ số phí 20% được để lại, thực hiện như sau:

a) Phân bổ 15% để bảo đảm hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí (bao gồm cả trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định):

Cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào dự toán thu-chi phí đường bộ được cấp có thẩm quyền giao; Dự toán thu-chi phí đường bộ của Khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông Vận tải (đối với Trạm trên tuyến đường quốc lộ được Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác quản lý) chi tiết theo từng Trạm thu phí; Chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; Nội dung chi bảo đảm hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí; phê duyệt tỷ lệ phần trăm (%) số phí được để lại cho từng Trạm thu phí, trong phạm vi 15% số phí thu được. Tỷ lệ để lại cho từng Trạm thu phí được xác định như sau:

- Đối với Trạm thu phí có mức chi thường xuyên được duyệt bằng hoặc thấp hơn 15% số thu, thì số phí để lại chi thường xuyên theo tỷ lệ phần trăm (%) được duyệt. Trường hợp có phần chênh lệch thừa giữa tỷ lệ được duyệt với tỷ lệ quy định chung được để lại chi hoạt động thường xuyên (15%) thì phần chênh lệch thừa nộp vào tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, để lập quỹ điều hoà cho các Trạm thiếu.

- Đối với Trạm thu phí có mức chi thường xuyên được duyệt cao hơn 15% số thu, thì Trạm được Cục Đường bộ Việt Nam cấp bù bảo đảm đủ tiền lương tối thiểu cho cán bộ nhân viên thu phí theo quy định, nhưng tối đa không quá 25% số phí thực thu của mỗi Trạm.

b) Phân bổ 5% để chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí cho các Trạm thu phí:

Trên cơ sở dự toán chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí, phục vụ cho công tác thu phí của Khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông Vận tải (đối với Trạm trên tuyến đường quốc lộ được Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác quản lý) chi tiết theo từng Trạm thu phí; Căn cứ vào nhu cầu hiện đại hoá công nghệ thu phí bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới trạm thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự toán chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí của từng Trạm thu phí trong phạm vi 5% số thu phí các Trạm nộp về tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và số dư chi thường xuyên của 3 năm trước (nếu có), sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.2. Đối với các Trạm thu phí đường địa phương.

a) Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí (bao gồm cả trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định):

Tiền thu phí để lại chi hoạt động thường xuyên theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số phí thực thu của từng Trạm, do Sở Giao thông Vận tải xác định, sau khi thống nhất với Sở Tài chính-Vật giá trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 30% tổng số phí thu được của từng Trạm thu phí. Số còn lại nộp vào ngân sách địa phương hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay).

b) Nguồn kinh phí chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí:

Chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí: mua sắm, lắp đặt thiết bị thu phí (thiết bị tự động, bán tự động); chi mua thiết bị đếm xe, do ngân sách địa phương cấp theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là nội cung câu trả lời về nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí đường bộ, theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 78/2003/TTLT-BTC-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào