Cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động trên mạng Internet trong Quân đội có trách nhiệm gì?
Ngày 22/08/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 110/2014/TT-BQP về Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Quy chế này quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, bảo đảm an toàn thông tin trên mạng Internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam và áp dụng đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng Internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đó, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động trên mạng Internet trong Quân đội là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 19 Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 110/2014/TT-BQP. Cụ thể bao gồm:
1. Cơ quan, đơn vị trong Quân đội có nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet phải sử dụng dịch vụ Internet trong Quân đội.
2. Thực hiện đúng quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
3. Thông tin đưa vào lưu trữ, truyền đi và nhận đến trên mạng Internet phải tuân thủ các quy định tương ứng của pháp luật về báo chí; xuất bản; cơ yếu; bảo vệ bí mật nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.
4. Chỉ huy cơ quan, đơn vị cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet chịu trách nhiệm kiểm tra và quản lý đối với các đơn vị thuộc quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng về cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.
5. Được sử dụng các dịch vụ trên Internet trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
6. Phối hợp ứng cứu các sự cố máy tính và các hệ thống thông tin do Quân đội quản lý trên mạng Internet.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động trên mạng Internet trong Quân đội. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 110/2014/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật