Quy định về phối hợp và trao đổi thông tin tại cảng Nội Bài
Theo quy định tại Điều 7 về áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (ban hành kèm Quyết định 2061/QĐ-BTC năm 2017) thì nội dung này được quy định như sau:
1. Quy định về phối hợp:
a) Trách nhiệm của doanh nghiệp
a.1) Cập nhật và gửi đến Hệ thống hải quan thông tin hàng hóa đưa vào, đưa ra kho hàng không theo quy định tại Mục 1, Mục 2, Mục 3 Phần II Quyết định này;
a.2) Lưu trữ thông tin hàng hóa đã hoàn thành thủ tục đưa hàng ra khỏi kho hàng không trên Hệ thống doanh nghiệp để phục vụ công tác điều tra, báo cáo, thống kê, đối chiếu, nghiên cứu khi có yêu cầu của cơ quan hải quan;
a.3) Bố trí đầu mối thường trực phối hợp với cơ quan hải quan.
b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan
b.1) Thông qua Hệ thống hải quan, cung cấp cho doanh nghiệp thông tin hàng hóa dự kiến đưa vào kho, soi chiếu (nếu có), thay đổi trạng thái tờ khai hải quan (nếu có), hàng hóa đủ điều kiện đưa ra, đưa vào khu vực giám sát hải quan theo quy định;
b.2) Tiếp nhận, xử lý thông tin do doanh nghiệp phản hồi, cập nhật trên Hệ thống. Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan thích hợp, đảm bảo quản lý hải quan, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật;
b.3) Bố trí cán bộ thường trực tiếp nhận và xử lý vướng mắc khi có yêu cầu.
2. Khi Hệ thống hải quan và Hệ thống doanh nghiệp không trao đổi được thông tin (gặp sự cố):
a) Trách nhiệm của doanh nghiệp
a.1) Chậm nhất 01 giờ kể từ thời điểm gặp sự cố, gửi văn bản thông báo Cơ quan hải quan về việc gặp sự cố để phối hợp xử lý nhằm đảm bảo không gây ách tắc cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ghi nhận sự cố vào sổ theo dõi;
a.2) Căn cứ danh sách hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát đã có xác nhận của Cơ quan hải quan (bản giấy) để cho phép hàng hóa xuất khẩu được xếp lên phương tiện vận tải xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan;
a.3) Cập nhật thông tin hàng hóa đã đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan ngay khi Hệ thống được khắc phục sự cố.
b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
b.1) Tổng cục Hải quan bố trí bộ phận hỗ trợ (Help Desk) để tiếp nhận thông tin phản ánh về sự cố, hướng dẫn và xử lý sự cố theo quy định;
b.2) Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội bố trí công chức tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài tiếp nhận và xử lý sự cố 24/7 đảm bảo không gây ách tắc cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ghi nhận sự cố vào sổ theo dõi.
Trường hợp không thể khắc phục được sự cố thì lập Biên bản chứng nhận tình trạng, thời gian, địa điểm phát sinh sự cố và thông báo ngay cho bộ phận Help Desk của Tổng cục Hải quan về tình trạng sự cố và thực hiện theo hướng dẫn;
b.3) Trường hợp hệ thống của doanh nghiệp gặp sự cố nhưng Hệ thống hải quan vẫn có thông tin về danh sách hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát thì công chức hải quan thực hiện kiểm tra thông tin tờ khai đủ điều kiện qua khu vực giám sát trên Hệ thống hải quan hoặc từ bộ phận hỗ trợ của Tổng cục Hải quan (Help Desk), in danh sách hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát trên hệ thống và gửi cho doanh nghiệp làm cơ sở cho phép hàng hóa đưa ra khu vực giám sát;
b.4) Trường hợp Hệ thống hải quan gặp sự cố Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài có trách nhiệm thông báo về Hệ thống gặp sự cố theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và thực hiện thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan;
b.5) Khi sự cố được khắc phục, yêu cầu doanh nghiệp truyền thông tin danh mục hàng hóa đã đưa ra, đưa vào kho trong thời điểm gặp sự cố đến hệ thống hải quan. Cơ quan hải quan có trách nhiệm khắc phục các vấn đề nghiệp vụ liên quan đối với các hồ sơ hải quan trong thời gian gặp sự cố./.
Trên đây là nội dung tư vấn về quy định về phối hợp và trao đổi thông tin tại cảng Nội Bài. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 2061/QĐ-BTC năm 2017.
Trân trọng!