Quy tắc an toàn trong rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển
Quy tắc an toàn trong rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển được quy định tại Điều 33 Quy trình kỹ thuật rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư 154/2013/TT-BQP như sau:
1. Kiểm tra môi trường dò tìm dưới biển: Khoanh khu vực thi công, đánh dấu điểm mốc; dọn các chướng ngại vật trên mặt nước; đánh dấu chướng ngại vật lớn ảnh hưởng đến quá trình dò tìm; kiểm tra độ sâu nước, tốc độ dòng chảy.
2. Trước mỗi ca làm việc, các nhân viên kỹ thuật phải làm công tác kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật của tất cả các loại trang thiết bị theo đúng yêu cầu.
3. Phải khoanh khu vực đang RPBM dưới biển bằng các phao có cắm cờ. Bố trí các tổ cảnh giới khu vực đang RPBM, hướng dẫn, phân luồng tàu thuyền đi lại và không cho người, tàu thuyền vào khu vực RPBM dưới biển.
4. Người thực hiện công việc RPBM dưới biển phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định thực hiện công việc theo đúng Quy trình kỹ thuật.
5. Tàu thuyền phục vụ công việc RPBM dưới biển chỉ được đi lại trong khu vực theo đúng các vị trí đã được phân công.
6. Mỗi ca làm việc dò tìm liên tục tổng cộng là 6 giờ, một người sử dụng máy dò bom mìn không được làm việc 2 ca liên tục trong một ngày. Nhân viên lặn xử lý tín hiệu làm việc không quá 2 giờ/ca. Bố trí cho nhân viên nghỉ giải lao giữa giờ.
7. Người thực hiện công việc xử lý tín hiệu phải là nhân viên kỹ thuật xử lý, có chứng chỉ là thợ lặn của cơ quan có thẩm quyền cấp, có sức khỏe tốt được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định; thực hiện đúng Quy trình kỹ thuật và các quy định an toàn công tác lặn thi công dưới nước.
8. Các trang thiết bị khi xử lý tín hiệu dưới biển phải được kiểm định bảo đảm tình trạng kỹ thuật và an toàn theo quy định gồm: Máy dò bom dưới nước; trang bị lặn đồng bộ (lặn hình hoặc lặn nhái); thuyền Composit, thuyền cao su các loại; máy xói áp lực cao, máy hút bùn, cát; thiết bị trục vớt chuyên dụng; phao, neo, thuôn, xẻng, cáp ni lông, các trang bị đảm bảo an toàn và bảo hộ lao động.
9. Chỉ trục vớt bom, mìn, vật nổ đã xử lý an toàn. Khi trục vớt bom, mìn, vật nổ phải dùng thiết bị trục vớt chuyên dụng. Kéo từ từ vật nổ lên khỏi mặt nước sau đó đưa lên thuyền Composit, thuyền bằng cao su hoặc thuyền gỗ chuyên dụng. Định vị, chèn chặt vật nổ trên thuyền, cố định các vị trí đầu nổ, tránh va chạm. Không được vận chuyển bom, mìn, vật nổ trên cùng phương tiện chở người và trang thiết bị thi công.
10. Việc tổ chức thu gom và hủy bom, mìn, vật nổ thu được sau dò tìm chỉ được thực hiện vào cuối mỗi ca làm việc.
Trên đây là nội dung quy định về quy tắc an toàn trong rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 154/2013/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật