Hàng hóa nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra kho hàng không tại cảng Nội Bài
Theo quy định tại Điều 3 về áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (ban hành kèm Quyết định 2061/QĐ-BTC năm 2017) thì nội dung này được quy định như sau:
1. Trước thời điểm xếp dỡ hàng hóa nhập khẩu đưa vào kho hàng không:
a) Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Tiếp nhận thông tin danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ, số quản lý hàng hóa nhập khẩu và danh sách hàng hóa soi chiếu (nếu có) từ Hệ thống hải quan;
b) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:
Cung cấp thông tin danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ (bao gồm trọng lượng, số lượng), số quản lý hàng hóa nhập khẩu và danh sách hàng hóa soi chiếu (nếu có) theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm Quyết định này đến Hệ thống của doanh nghiệp.
2. Trong quá trình xếp dỡ hàng hóa tại kho hàng không
a) Trách nhiệm của doanh nghiệp:
a.1) Kiểm tra tình trạng bao bì chứa hàng; đối chiếu số lượng kiện, trọng lượng kiện (nếu có) giữa thực tế hàng hóa trên vận tải đơn thứ cấp được xếp dỡ vào kho hàng không với thông tin hàng hóa đã tiếp nhận từ Hệ thống hải quan.
Trường hợp bao bì chứa hàng rách vỡ (làm sai lệch trọng lượng), hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thông báo ngay cho cơ quan hải quan, lưu kho vào vị trí quy định và phối hợp xử lý;
a.2) Cung cấp thông tin hàng hóa khai thác thực tế có sai khác so với thông tin từ Hệ thống hải quan, vị trí lưu giữ và camera giám sát tại kho của các lô hàng trên; cập nhật thông tin hàng hóa sai khác hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm Quyết định này và gửi đến Hệ thống hải quan.
Trường hợp hàng hóa trong danh sách phải soi chiếu của cơ quan Hải quan, doanh nghiệp cung cấp vị trí lưu giữ và camera giám sát. Vận chuyển hàng hóa yêu cầu soi chiếu, đến vị trí soi chiếu khi cơ quan Hải quan yêu cầu và vận chuyển về vị trí quy định sau khi kết thúc soi chiếu hoặc đưa vào khu vực lưu giữ riêng đối với trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm;
a.3) Chậm nhất 1 giờ, sau khi hoàn thành việc xếp, dỡ hàng hóa đưa hàng vào vị trí quy định, cập nhật thông tin hàng hóa đưa vào, thông tin sửa, hủy (vận đơn) theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm Quyết định này và gửi đến Hệ thống hải quan.
b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
b.1) Trên cơ sở tiếp nhận thông tin từ người khai hải quan, thông tin khác (nếu có), phân tích xác định chuyến bay trọng điểm, lô hàng trọng điểm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định biện pháp giám sát đối với hoạt động xếp dỡ hàng hóa của chuyến bay trọng điểm đó;
b.2) Cung cấp số điện thoại để tiếp nhận thông tin và phối hợp xử lý ngay khi có thông báo từ doanh nghiệp; Cung cấp danh sách hàng hóa soi chiếu (nếu có) cho doanh nghiệp và cập nhật kết quả soi chiếu sau khi hoàn thành soi chiếu;
b.3) Tiếp nhận thông tin hàng hóa đưa vào kho hàng không; thông tin sửa, thông tin hủy đối với hàng hóa đưa vào kho hàng không (nếu có) hoặc thông tin hàng hóa sai khác (nếu có) và phê duyệt thông tin hủy hàng hóa đưa vào kho hàng không (nếu có) trên hệ thống.
3. Trong quá trình lưu giữ hàng hóa tại kho hàng không, nếu có thay đổi nguyên trạng hàng hóa (xem trước, lấy mẫu hoặc thay đổi bao bì chứa hàng hóa)
a) Trách nhiệm của người khai hải quan:
a.1) Trường hợp xem trước hàng hóa: Thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư 38/2015/TT-BTCngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính;
a.2) Trường hợp lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành: Thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính;
a.3) Trường hợp thay đổi bao bì chứa hàng hóa: Có văn bản thông báo cho cơ quan hải quan về việc thay đổi bao bì chứa hàng hóa; sau khi được cơ quan hải quan chấp thuận, người khai hải quan làm việc với doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không, người vận chuyển để thay đổi bao bì chứa hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan; ký nhận Biên bản chứng nhận sau khi hoàn thành công việc.
b) Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Phối hợp với cơ quan hải quan chứng kiến và ký nhận Biên bản chứng nhận việc thay đổi nguyên trạng hàng hóa; cập nhật thông tin thay đổi nguyên trạng hàng hóa và gửi đến Hệ thống hải quan.
c) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
c.1) Thông báo doanh nghiệp phối hợp xem xét, giải quyết việc thay đổi nguyên trạng hàng hóa trên cơ sở thông tin tiếp nhận từ người khai hải quan hoặc thông tin khác (nếu có) về lô hàng;
c.2) Giám sát việc thay đổi nguyên trạng hàng hóa, thực hiện niêm phong hải quan (nếu thấy cần thiết) và lập 03 Biên bản chứng nhận, xác nhận (ký tên, đóng dấu công chức), giao mỗi bên giữ 01 bản;
c.3) Tiếp nhận thông tin thay đổi nguyên trạng hàng hóa từ Hệ thống doanh nghiệp.
4. Khi đưa hàng hóa ra khỏi kho hàng không
a) Trách nhiệm của người khai hải quan:
a.1) Cung cấp thông tin (số tờ khai hải quan hoặc số quản lý hàng hóa nhập khẩu) của lô hàng cho doanh nghiệp;
a.2) Xuất trình hàng hóa để công chức hải quan thực hiện niêm phong hải quan đối với trường hợp hàng hóa phải niêm phong hải quan theo quy định; xuất trình tờ khai hải quan giấy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) cho cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận theo quy định.
b) Trách nhiệm của doanh nghiệp:
b.1) Kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa thông tin tiếp nhận từ Hệ thống hải quan với thực tế hàng hóa khi đưa ra khỏi kho hàng không về hàng hóa đủ điều kiện đưa ra khu vực giám sát hải quan và số lượng kiện, trọng lượng kiện (nếu có) và thực hiện như sau:
b.1.1) Trường hợp hàng hóa đủ điều kiện đưa qua khu vực giám sát hải quan và thông tin hàng hóa phù hợp thì cho phép hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan;
b.1.2) Trường hợp chưa nhận được thông tin hàng hóa đủ điều kiện đưa ra khu vực giám sát hải quan từ Hệ thống hải quan hoặc nhận được quyết định dừng đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan, doanh nghiệp không cho phép đưa hàng ra kho hàng không và hướng dẫn người khai hải quan liên hệ cơ quan hải quan xử lý theo quy định.
b.2) Cập nhật thông tin hàng hóa đưa ra khu vực giám sát hải quan theo từng số quản lý hàng hóa nhập khẩu quy định và gửi đến Hệ thống hải quan.
c) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
c.1) Đối với hàng hóa phải niêm phong hải quan theo quy định: Kiểm tra tình trạng bao bì chứa hàng hóa với thông tin tại hồ sơ; thực hiện niêm phong hải quan, lập Biên bản bàn giao, xác nhận (ký tên, đóng dấu công chức) và giao người khai hải quan hoặc người vận chuyển 01 bản, lưu giữ 01 bản;
c.2) Cung cấp thông tin hàng hóa đủ điều kiện đưa ra khu vực giám sát hải quan theo quy định và gửi đến Hệ thống doanh nghiệp; gửi Quyết định dừng đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan (nếu có) đến doanh nghiệp;
c.3) Tiếp nhận thông tin hàng hóa đưa ra kho hàng không từ Hệ thống doanh nghiệp;
c.4) Hướng dẫn người khai hải quan hoàn thành thủ tục đối với lô hàng có sai khác.
Trên đây là nội dung tư vấn về hàng hóa nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra kho hàng không tại cảng Nội Bài. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 2061/QĐ-BTC năm 2017.
Trân trọng!