Về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định của pháp luật phá sản được hiểu như thế nào?

Vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định của pháp luật phá sản được hiểu như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập, tôi là Nguyễn Thu Nguyệt, gần đây tôi có tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến pháp luật phá sản, nhưng có thắc mắc về vấn đề sau muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp như sau: Về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định của pháp luật phá sản được hiểu như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn!

Về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định của pháp luật phá sản được hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Luật phá sản do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:

1. Vụ việc phá sản có tính chất phức tạp là vụ việc không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản và doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có từ trên 300 (ba trăm) lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ từ trên 100.000.000.000 (một trăm tỷ đồng) trở lên;

b) Là tổ chức tín dụng; doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

c) Là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

d) Có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài;

đ) Có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật phá sản.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện lấy lên để giải quyết phá sản đối với vụ việc thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.

3. Tòa án nhân dân cấp huyện sau khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật phá sản làm văn bản đề nghị gửi kèm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét thụ lý, giải quyết; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

4. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình giải quyết phá sản có sự thay đổi nơi cư trú, địa chỉ của người tham gia thủ tục phá sản hoặc xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định của pháp luật phá sản. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phá sản doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào