Đào đất bằng thuốc nổ, kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 1m tính từ đáy biển, độ sâu nước từ lớn hơn 30m - 150m khi rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển
Đào đất bằng thuốc nổ, kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 1m tính từ đáy biển, độ sâu nước từ lớn hơn 30m đến 150m khi rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển được quy định tại Điều 21 Quy trình kỹ thuật rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư 154/2013/TT-BQP như sau:
(Phải chuẩn bị và tính toán chặt chẽ, chi tiết các vấn đề liên quan như: Bảo vệ môi trường, loại lượng nổ được sử dụng, cự li an toàn, chọn phương pháp gây nổ phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và trang bị và phải có sự thử nghiệm để làm cơ sở lựa chọn định mức, dự toán cho hợp lý).
1. Phạm vi áp dụng: Tất cả các tín hiệu được hiển thị trên bản đồ từ trường đáy biển thu được khi thực hiện bước dò tìm, nằm ở độ sâu đến 1 m tính từ đáy biển, độ sâu nước từ > 30 m đến 150 m.
2. Trang bị: Tàu 650 cv, xuồng cao su; thiết bị ROV, thiết bị DGPS; máy dò mìn dưới nước; máy đo thông mạch và điểm hỏa, thuốc nổ chịu nước, dây nổ chịu nước, kíp điện, dây điện kép, vải gói buộc lượng nổ, dây gai; các loại phao, neo, dây nilon.
3. Thứ tự công việc
a) Tập kết tàu xử lý, làm công tác chuẩn bị, thực hiện các biện pháp an toàn, dùng tàu lặn không người lái có điều khiển (ROV) có gắn cánh tay máy, tới vị trí đã đánh dấu tìm vị trí tâm tín hiệu thông qua máy dò mìn dưới nước theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
b) Thông qua thiết bị ROV, kiểm tra, xác định sơ bộ độ nằm sâu của tín hiệu; tiến hành chuẩn bị lượng nổ và phụ kiện nổ theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
c) Dùng thiết bị ROV đặt các lượng nổ ốp (lượng nổ tập trung) lên mặt đất trên vị trí tâm tín hiệu (với lượng thứ nhất, các lượng sau phải đặt vào đáy hố nổ do lượng trước đó tạo ra), bố trí đường dây gây nổ theo phương án, tổ chức cảnh giới, quy định tín hiệu; tiến hành gây nổ lượng nổ để đào cho tới khi lộ hẳn vật gây tín hiệu ra (theo từng mức độ sâu mỗi lần nổ là 0,5 m).
d) Kiểm tra xác định tín hiệu, nếu tín hiệu là các loại sắt thép thì xử lý theo biện pháp thông thường; nếu là bom mìn an toàn cho thu gom thì dùng cánh tay máy của thiết bị ROV trục vớt lên tàu tập kết về vị trí quy định để tổ chức hủy nổ; nếu là bom mìn không an toàn cho thu gom hoặc vật nổ lạ thì dùng phao, neo và cờ đỏ đánh dấu lại chờ tổ chức hủy nổ tại chỗ.
e) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu phải dùng máy dò mìn dưới nước kiểm tra lại xung quanh và phía dưới vị trí tín hiệu vừa xử lý để đảm bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý như thứ tự đã nêu trên.
Trên đây là nội dung quy định về việc đào đất bằng thuốc nổ, kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 1m tính từ đáy biển, độ sâu nước từ lớn hơn 30m đến 150m khi rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 154/2013/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật