Diện tích, độ sâu và hành lang an toàn trong rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển
Diện tích, độ sâu và hành lang an toàn trong rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển được quy định tại Điều 8 Quy trình kỹ thuật rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư 154/2013/TT-BQP như sau:
1. Diện tích phải RPBM dưới biển: Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm an toàn cho các công trình, sẽ bao gồm các diện tích sau:
a) Diện tích mặt bằng sử dụng của công trình bao gồm toàn bộ hoặc một phần diện tích được giao quyền sử dụng (căn cứ vào số liệu khảo sát và các tài liệu được cung cấp về tình hình ô nhiễm bom, mìn, vật nổ).
b) Diện tích hành lang an toàn được quy định cụ thể của từng công trình có xét đến tầm quan trọng của công trình.
2. Độ sâu cần RPBM dưới biển: Căn cứ vào tính năng tác dụng và khả năng xuyên sâu của các loại bom, mìn, vật nổ, mục đích sử dụng sau này của công trình để xác định độ sâu cần RPBM dưới biển.
a) Rà phá bom, mìn, vật nổ trên bề mặt đáy nước, áp dụng cho tất cả các dự án phục vụ việc phát triển du lịch biển, bảo tồn sinh vật biển, nuôi trồng thủy sản bảo đảm an toàn trước mắt cho các hoạt động trong khu vực dự án.
b) Rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển đến độ sâu 3 m tính từ đáy nước, áp dụng cho các dự án nạo vét luồng lạch có độ sâu nạo vét dưới 3 m. Các tuyến cáp quang biển, các tuyến ống dẫn dầu hoặc khí đốt.
c) Rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển đến độ sâu 5 m tính từ đáy nước, áp dụng cho các dự án nạo vét luồng lạch có độ sâu nạo vét từ ≥ 3 m đến 5 m các dự án khoan thăm dò hoặc xây dựng công nghiệp khai thác dầu khí.
3. Hành lang an toàn phải RPBM dưới biển: Là khoảng cách trên bề mặt đáy biển tính từ mép ngoài công trình đến mép ngoài của khu vực cần rà phá bom mìn, vật nổ. Mục đích là bảo đảm không làm nổ bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh nằm ngoài khu vực này do tác động của các thiết bị, máy móc khi đang tiến hành thi công công trình. Chiều rộng của dải hành lang an toàn xác định phải căn cứ vào tầm quan trọng của từng công trình cụ thể, vào chủng loại bom mìn, vật nổ có trong khu vực qua số liệu khảo sát. Cụ thể:
a) Các dự án phát triển du lịch biển, bảo tồn sinh vật biển, nuôi trồng thủy sản: 10 m tính từ mép chu vi đường biển ra phía ngoài.
b) Các dự án xây dựng dân dụng, công nghiệp: 25 m tính từ mép chu vi đường biên ra phía ngoài.
c) Luồng đường biển: 25 m tính từ mép trên ta luy đào của luồng ra phía ngoài về mỗi bên.
d) Tuyến đường cáp quang, cáp thông tin, cáp điện ngầm: 25 m tính từ tim tuyến ra phía ngoài về mỗi bên.
e) Tuyến đường ống dẫn nước, dầu, khí: 25 m tính từ mép trên ta luy đào ra phía ngoài về mỗi bên.
f) Lỗ khoan khảo sát địa chất: Bán kính 20 m tính từ tim lỗ ra xung quanh.
g) Lỗ khoan khai thác nước, khai thác dầu khí: Bán kính là 50 m tính từ tim lỗ ra xung quanh.
h) Với các công trình khác, việc quy định về khoảng cách hành lang an toàn sẽ được xem xét và quy định cụ thể trên cơ sở tham khảo các quy định tương ứng với từng loại công trình như đã quy định ở trên.
Trên đây là nội dung quy định về diện tích, độ sâu và hành lang an toàn trong rà phá bom, mìn, vật nổ dưới biển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 154/2013/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật