Lập, phê duyệt phương án xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan
Lập, phê duyệt phương án xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan được quy định tại Điều 14 Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành kiểm kê, phân loại, định giá theo quy định tại Điều 12 Thông tư này, Hội đồng có trách nhiệm lập phương án xử lý hàng hóa tồn đọng theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này, báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan.
2. Hình thức xử lý hàng hóa tồn đọng:
a) Chuyển giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý đối với hàng hóa có giá trị văn hóa - lịch sử, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh;
b) Chuyển giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để quản lý, sử dụng đối với hàng hóa còn sử dụng được là phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị thí nghiệm theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
c) Tiêu hủy đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng) hoặc thuộc diện buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, Cục Hải quan báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, Hội đồng xử lý phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tiêu hủy;
d) Bán trực tiếp (không thông qua đấu giá) trong các trường hợp sau đây:
- Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa, vật phẩm dễ cháy nổ (xăng, gas, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy nổ khác);
- Hàng thực phẩm đã qua chế biến mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày;
- Thuốc chữa bệnh, thuốc thú y mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày;
- Các loại hàng hóa khác nếu không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, hết thời hạn sử dụng;
- Hàng hóa theo kết quả định giá của Hội đồng xử lý có giá trị dưới 50 triệu đồng/lô hàng hóa.
đ) Bán đấu giá đối với hàng hóa không thuộc phạm vi quy định tại các điểm a, c, d khoản này và tài sản quy định tại điểm b khoản này nhưng không xử lý theo hình thức chuyển giao.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng xử lý trình phương án xử lý hàng hóa tồn đọng, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định phương án xử lý hàng hóa tồn đọng theo Mẫu số 03/QĐ-PA ban hành kèm Thông tư này theo thẩm quyền hoặc báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đối với trường hợp chuyển giao theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này.
4. Đối với những hàng hóa có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước, Cục Hải quan báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức xử lý. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức xử lý theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn về lập, phê duyệt phương án xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 203/2014/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật