Mức chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật
Mức chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin do Bộ Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, cụ thể như sau:
Tiêu chuẩn, chế độ, định mức và các điều kiện, thủ tục để lập kế hoạch, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước và quản lý, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đối với những nội dung, nhiệm vụ chưa được quy định cụ thể, được phép áp dụng theo quy định về chế độ chi tiêu và định mức như đối với các nội dung, nhiệm vụ tương ứng về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong trường hợp những nội dung, nhiệm vụ chưa có quy định tại các văn bản hiện hành, thì được phép căn cứ theo đơn giá trung bình trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch, dự án và tại địa điểm mà kế hoạch, dự án được triển khai (qua báo giá/dự trù kinh phí của ít nhất 2 nhà thầu).
Thông tư này hướng dẫn chi tiết thêm một số mức chi trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, cụ thể sau:
1. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI từ mức 3 trở lên không vượt quá 475.000.000 đồng/doanh nghiệp (hoặc 25.000 đô la Mỹ tính theo tỉ giá ở thời điểm thanh toán). Việc hỗ trợ theo các nguyên tắc sau đây:
- Chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định có đủ điều kiện và năng lực để triển khai quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI;
- Hỗ trợ phần tư vấn xây dựng, áp dụng, điều chỉnh quy trình: không vượt quá 285.000.000 đồng/doanh nghiệp (hoặc 15.000 đô la Mỹ); trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn thêm thì phải tự chi trả phần tư vấn phát sinh đó;
- Hỗ trợ phần đánh giá cấp chứng chỉ: không vượt quá 190.000.000 đồng/doanh nghiệp (hoặc 10.000 đô la Mỹ). Phần kinh phí trên mức này doanh nghiệp phải tự chi trả. Trong trường hợp doanh nghiệp đã đánh giá nhưng không đạt chứng chỉ thì doanh nghiệp phải tự chi trả toàn bộ kinh phi đánh giá cho đơn vị tư vấn.
a) Mức chi thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn xây dựng, áp dụng và điều chỉnh quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMI không vượt quá 20.000.000đồng/chuyên gia/ngày (hoặc 1.100 đô la Mỹ). Yêu cầu đối với trình độ chuyên gia: Có 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm tư vấn xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI.
b) Mức chi thuê chuyên gia nước ngoài để đánh giá quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMI không vượt quá 27.000.000 đồng/chuyên gia/ngày (hoặc 1500 đô la Mỹ). Yêu cầu đối với trình độ chuyên gia: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; có kinh nghiệm đánh giá chứng chỉ CMMI; có chứng chỉ đánh giá trưởng về CMMI do Viện công nghệ phần mềm – SEI của Hoa Kỳ, hoặc đơn vị được Viện công nghệ phần mềm nêu trên uỷ quyền cấp.
c) Mức chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước làm giám sát hoặc tư vấn khác được thực hiện theo Thông tư số 18/2010/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tiền lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện gói thầu tư vấn và áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian thuộc dự án sử dụng vốn Nhà nước.
2. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các quy trình đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến khác do Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt trong từng kế hoạch, dự án cụ thể, cho mỗi loại tiêu chuẩn cụ thể, trên cơ sở tham khảo thực tế chi phí trung bình cần thiết để mỗi doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn đó, nhưng không vượt quá định mức hỗ trợ cho xây dựng, áp dụng và đánh giá theo chuẩn CMMI quy định tại khoản 1, Điều 4 của Thông tư này.
3. Chi tổ chức các khoá đào tạo thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Chi điều tra, khảo sát doanh nghiệp công nghệ thông tin; điều tra thị trường, sản phẩm công nghệ thông tin; điều tra khảo sát tình hình sử dụng phần mềm nguồn mở tại các cơ quan nhà nước thực hiện theo các quy định của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Nhà nước.
5. Chi biên soạn sách trắng, báo cáo toàn cảnh, báo cáo về các chỉ số, các tài liệu về quy định pháp luật, hướng dẫn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chi in sách tham khảo về các quy trình sản xuất, quản lý chất lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin bao gồm: chi biên soạn: 70.000đ/trang chuẩn tiếng Việt; chi sửa chữa và biên tập tổng thể: 25.000đ/trang chuẩn tiếng Việt; chi thẩm định nhận xét: 35.000đ/trang chuẩn tiếng Việt. Trong trường hợp in ấn các ấn phẩm nói trên bằng tiếng nước ngoài, được phép chi thêm 50.000đ/trang chuẩn chi phí dịch thuật.
6. Chi chuyển đổi, sử dụng phần mềm nguồn mở thực hiện theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Chi tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm trong nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Chi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chi cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở ngoài nước thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách Nhà nước đài thọ.
9. Chi các nghiên cứu chuyên môn, đề tài khoa học thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ về định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng Ngân sách Nhà nước.
10. Chi tổ chức hội thảo, hội nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
11. Chi xây dựng, duy trì, cập nhật, nâng cấp trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về công nghiệp công nghệ thông tin áp dụng theo quy định tại Mục 2, Phần II Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/5/2008 của liên Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
12. Đối với một số hoạt động của Ban Điều hành:
a) Chi tổ chức các cuộc họp do Ban Điều hành chủ trì:
Chủ trì: 200.000 đồng/người; thư ký, thành viên Ban Điều hành: 100.000 đồng/người; chuyên gia tư vấn: 200.000đồng/người (có tham luận); đại biểu khác: 100.000 đồng/người.
b) Chi thuê viết báo cáo tư vấn: Căn cứ vào yêu cầu công việc và khả năng kinh phí, Trưởng Ban Điều hành xem xét, quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình nhưng tối đa không quá mức chi theo quy định dưới đây; đồng thời phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ hoá đơn, chứng từ theo quy định:
- Đối với chuyên gia trong nước: Tối đa không quá 10.000.000đồng/báo cáo;
- Đối với chuyên gia nước ngoài: Tối đa không quá 27.000.000 đồng/báo cáo (hoặc 1.500 USD tính theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán).
c) Chi làm đêm, làm thêm giờ cho đơn vị thường trực và các tổ giúp việc thực hiện theo quy định hiện hành của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
d) Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Điều hành, cơ quan thường trực, tổ tư vấn, tổ giúp việc như sau:
- Đối với các thành viên Ban Điều hành chương trình: Trưởng Ban: hệ số 0,8 mức lương tối thiểu/người/tháng, thành viên: hệ số 0,6 mức lương tối thiểu/người/tháng;
- Đối với các thành viên cơ quan thường trực, tổ tư vấn và các tổ giúp việc khác: Thủ trưởng, tổ trưởng: hệ số 0,6 mức lương tối thiểu/người/tháng; thành viên: hệ số 0,5 mức lương tối thiểu/người/tháng.
đ) Chi thuê chuyên gia tư vấn cho các hoạt động của Ban Điều hành: Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động nghiên cứu và khả năng kinh phí, Ban Điều hành quyết định việc thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước. Trong đó cần tập trung áp dụng hình thức thuê Hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm. Trong trường hợp hợp đồng làm việc theo tháng, chi phí trả cho chuyên gia được vận dụng theo Thông tư số 18/2010/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tiền lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện gói thầu tư vấn và áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian thuộc dự án sử dụng vốn Nhà nước.
13. Một số khoản chi được thanh toán theo hợp đồng giữa các cơ quan, đơn vị và nhà cung cấp bảo đảm tuân thủ quy định hoá đơn chứng từ và quy định về đấu thầu, mua sắm, thuê tài sản nói chung, tài sản thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng, bao gồm:
a) Mua sắm trang, thiết bị thuộc cơ sở hạ tầng thông tin (phần cứng, thiết bị mạng, phần mềm); mua nội dung thông tin; mua giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu; thuê tư vấn trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin.
b) Các khoản chi phí thuê dịch vụ Internet, điện, nước,... chi thuê dịch vụ thuê kết nối mạng; dịch vụ thuê thiết bị mạng, phần cứng và phần mềm; dịch vụ an ninh mạng và an toàn thông tin.
c) Chi cho công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá: thiết kế, in ấn tờ rơi, panô, áp phích, khẩu hiệu; thiết kế kịch bản tuyên truyền, thiết kế quảng cáo, thuê quảng bá qua sóng phát thanh, truyền hình; tuyên truyền, quảng bá bằng thông tin trên mạng máy tính, qua mạng viễn thông.
d) Chi thiết kế, in ấn sách, trình bày trang bìa, giấy phép xuất bản, in ấn phát hành tài liệu, sách.
đ) Chi mua sách, tài liệu nghiên cứu, báo cáo khảo sát, đánh giá thị trường của các tổ chức trong và ngoài nước.
e) Chi thuê tài sản phục vụ cho hoạt động của Ban Điều hành.
Trên đây là nội dung câu trả lời về mức chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật