Bảo hiểm xã hội chi trả chế độ hỗ trợ học nghề được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 29 Quy định quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm Quyết định 828/QĐ-BHXH năm 2016 thì nội dung này được quy định như sau:
BHXH tỉnh thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ học nghề cho các cơ sở đào tạo nghề.
1. Trách nhiệm của BHXH tỉnh
1.1. Phòng CĐ BHXH
Hằng tháng, đối chiếu Danh sách người thất nghiệp đề nghị chi trả hỗ trợ học nghề (mẫu số 87a-HD) của Cơ sở Đào tạo nghề chuyển đến có đủ chữ ký của người thất nghiệp đang học nghề với Quyết định về việc hỗ trợ học nghề của Giám đốc Sở LĐTB&XH, lập 03 bản Danh sách người thất nghiệp được duyệt chi hỗ trợ học nghề (mẫu số 87b-HD) trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được mẫu số 87a-HD, chuyển: Cơ sở đào tạo nghề 01 bản; Phòng KHTC 01 bản và lưu 01 bản.
1.2. Phòng KHTC
Hằng tháng, căn cứ mẫu số 87b-HD, chuyển trả kinh phí hỗ trợ học nghề vào tài khoản tại ngân hàng cho từng Cơ sở đào tạo nghề trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu số 87b-HD.
2. Trách nhiệm của BHXH huyện
Tiếp nhận Danh sách người thất nghiệp đề nghị chi trả hỗ trợ học nghề (mẫu số 87a-HD) do Cơ sở Đào tạo nghề chuyển đến, chuyển BHXH tỉnh giải quyết, chi trả.
3. Trách nhiệm của Cơ sở đào tạo nghề
Trước ngày 25 hàng tháng, lập Danh sách người thất nghiệp đề nghị chi trả hỗ trợ học nghề (mẫu số 87a-HD) có đầy đủ chữ ký của người thất nghiệp đang học nghề chuyển cơ quan BHXH (nộp tại BHXH tỉnh hoặc tại BHXH huyện nơi Cơ sở đào tạo nghề đóng trụ sở).
4. Trách nhiệm của người thất nghiệp
Hằng tháng, trực tiếp ký xác nhận vào Danh sách (mẫu số 87a-HD) do Cơ sở đào tạo nghề lập.
Trên đây là nội dung tư vấn về bảo hiểm xã hội chi trả chế độ hỗ trợ học nghề. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 828/QĐ-BHXH năm 2016.
Trân trọng!