Việc báo cáo kết quả thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức được thực hiện như thế nào?

Việc báo cáo kết quả thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Kiên Giang. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm thông tin về hoạt động thanh tra đối với việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Trong đó, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, hiện nay, sau quá trình thanh tra, việc báo cáo kết quả thanh tra được thực hiện ra sao? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Thùy Trang (trang***@gmail.com)

Ngày 10/12/2012, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 09/2012/TT-BNV quy định quy trình, nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công, viên chức. Thông tư này quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra (bao gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra, kết thúc thanh tra) và nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.

Theo đó, việc báo cáo kết quả thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Thông tư 09/2012/TT-BNV. Cụ thể như sau:

1. Sau khi kết thúc giai đoạn thanh tra trực tiếp tại cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo việc tổng hợp số liệu, phân tích các tài liệu mà Đoàn thanh tra đã thu thập và đánh giá, nhận định về nội dung thanh tra.

2. Từng thành viên Đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung thanh tra theo nhiệm vụ đã được phân công.

3. Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo của các thành viên Đoàn thanh tra để xây dựng dự tháo báo cáo kết quả thanh tra.

Dự thảo báo cáo kết quả thanh tra được gửi lấy ý kiến các thành viên trong Đoàn thanh tra. Ý kiến của các thành viên Đoàn thanh tra phải thực hiện bằng văn bản. Nếu có ý kiến khác nhau về các nội dung trong dự thảo báo cáo kết quả thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về quyết định của mình.

4. Trưởng đoàn thanh tra ký báo cáo kết quả thanh tra và gửi người ra quyết định thanh tra.

Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra trình người ra quyết định thanh tra chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra.

5. Nội dung báo cáo kết quả thanh tra

a) Khái quát về cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra;

b) Kết quả kiểm tra, xác minh các nội dung thanh tra;

c) Đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn lại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra;

d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng trong quá trình tiến hành thanh tra; kiến nghị các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị cấp và người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua thanh tra (nếu có);

đ) Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc báo cáo kết quả thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 09/2012/TT-BNV.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viên chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào