Trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Phương Vy, đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Tôi đang cần tìm hiểu các quy định về quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Cho tôi hỏi: Trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được quy định ra sao? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.           

Theo quy định tại Điều 13 Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV thì nội dung này được quy định như sau:  

1. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh) là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của tỉnh, thành phố trên cơ sở tổng hợp yêu cầu về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 2 Quy chế này; theo dõi, tổng hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được cấp trên phê duyệt của các cơ quan để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có thể được xây dựng độc lập hoặc là một trong các nội dung của kế hoạch thanh tra, kiểm tra của tỉnh, thành phố.

2. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm của mình, cơ quan chức năng phải xác định cụ thể doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp dự kiến thanh tra, kiểm tra.

a) Trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, các cơ quan quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 2 Quy chế này gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm sau liền kề của mình cho Thanh tra tỉnh.

Căn cứ vào định hướng, chương trình kế hoạch công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tổng hợp nhu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 2 Quy chế này, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Chậm nhất vào ngày 25 tháng 11 hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm sau liền kề của tỉnh, thành phố mình.

b) Các cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương đặt tại địa phương có trách nhiệm đối chiếu với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khác trên địa bàn khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của mình để giảm thiểu trùng lặp; gửi cho Thanh tra tỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm sau liền kề đã được cấp trên phê duyệt.

3. Thanh tra tỉnh thông báo bằng văn bản tới các cơ quan chức năng có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cùng một hoặc một số doanh nghiệp đề nghị các cơ quan này trao đổi, thỏa thuận thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp liên ngành do một cơ quan chủ trì. Trường hợp do yêu cầu đặc thù phải thực hiện thanh tra, kiểm tra độc lập, Thủ trưởng cơ quan chức năng phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản.  

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV.

Trân trọng!                       

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào