Bản quyền đối với tác phẩm được số hóa
Hiểu một cách đơn giản, số hóa là việc sử dụng các thiết bị công nghệ số để chuyển đổi các hình thức tài liệu dưới dạng truyền thống sang dạng số để thông tin có thể được xử lý, lưu trữ, và truyền phát qua các thiết bị kỹ thuật số và trên mạng.
Như vậy, bản thân việc số hóa không tạo nên một tác phẩm mới mà chỉ là thay đổi hình thức thể hiện của một tác phẩm sẵn có từ các dạng khác nhau thành định dạng số hóa để có thể lưu trữ lâu dài và dễ dàng sử dụng nhờ các thiết bị kỹ thuật.
Chính vì tác phẩm số hóa không phải là một tác phẩm mới nên nó vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ nói chung và các văn bản hướng dẫn thi hành mà không cần phải có thêm các quy định đặc biệt nào khác cho hình thức thể hiện này của tác phẩm.
Tuy nhiên, khi xem xét về việc số hóa các tác phẩm thì cần phải khẳng định rằng bản thân hành vi số hóa không hề xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ.
Việc có vi phạm hay không lại phụ thuộc vào mục đích sử dụng hay phạm vi sử dụng.
Trong trường hợp mục đích sử dụng và phạm vi sử dụng tác phẩm số hóa vượt ra ngoài các ngoại lệ như đã được nêu tại điều 25 và điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ thì hành vi sử dụng tác phẩm số hóa mới có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền.
Trong trường hợp của doanh nghiệp, đã tiến hành số hóa tác phẩm, không được phép của chủ sở hữu và tải lên website, hành vi này được coi là hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm.
Theo quy định của luật hiện hành, hành vi sao chép, phân phối đến công chúng bản sao của tác phẩm vi phạm ở quy mô thương mại, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố theo tội danh “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” theo quy định tại Điều 170a của Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với khung hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với tổ chức và 250 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại đã xảy ra hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc.
Thư Viện Pháp Luật