Việc tổ chức đào tạo chương trình chất lượng cao tại các trường đại học phải đảm bảo những yêu cầu nào?

Yêu cầu đối với việc tổ chức đào tạo chương trình chất lượng cao tại các trường đại học được quy định thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Long Thành, Đồng Nai. Vừa qua đọc báo và theo dõi tin tức lĩnh vực giáo dục, tôi thấy hiện nay ở các trường đại học, ngoài các hệ đào tạo như hệ chính quy, tại chức hay vừa làm vừa học còn có các lớp được tổ chức đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Tôi thắc mắc không biết, việc tổ chức đào tạo chương trình chất lượng cao tại các trường đại học phải đảm bảo những yêu cầu nào? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Thanh Thủy (thuy***@gmail.com)

Ngày 18/7/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Văn bản này quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (sau đây gọi là đào tạo chất lượng cao, viết tắt là ĐTCLC) bao gồm: tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học; điều kiện đào tạo chất lượng cao, thủ tục xác nhận đề án ĐTCLC, đình chỉ tuyển sinh chương trình chất lượng cao và áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học (bao gồm cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng) trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo đó, yêu cầu đối với việc tổ chức đào tạo chương trình chất lượng cao tại các trường đại học là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT. Cụ thể như sau:

a) Thực hiện theo học chế tín chỉ, sử dụng triệt để phương pháp giảng dạy mới theo hướng phát huy năng lực cá nhân của sinh viên, tăng cường rèn luyện kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại và các phần mềm chuyên dụng để giải quyết các nội dung chuyên môn;

b) Có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng ngôn ngữ của CTĐT nước ngoài hoặc Tiếng Anh, trong đó có ít nhất 1/2 số tín chỉ nêu trên do giảng viên được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 6 của Quy định này đảm nhiệm (trừ những ngành chỉ đào tạo ở Việt Nam);

c) Tổ chức cho sinh viên tham quan, thực hành, thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trong hoặc ngoài nước theo kế hoạch; mời các giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân đến từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở trong nước hoặc nước ngoài tham gia giảng dạy, báo cáo chuyên đề, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm, phát triển nghề nghiệp; hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp liên quan để mời tham gia, hỗ trợ hoạt động đào tạo và NCKH;

d) Áp dụng các phương pháp đánh giá hiện đại theo hướng chú trọng phát triển năng lực phân tích, thực hành, sáng tạo, tự cập nhật kiến thức; năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên nguyên tắc khách quan, minh bạch, linh hoạt, bám sát mục tiêu của mỗi học phần và của CTĐT;

đ) Bố trí đủ trợ giảng cho mỗi học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành;

e) Bố trí đủ người hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm, thực tập; đảm bảo mỗi nhóm thảo luận không quá 30 sinh viên, nhóm thực hành không quá 15 sinh viên, nhóm làm thí nghiệm tại phòng thí nghiệm không quá 5 sinh viên.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về yêu cầu đối với việc tổ chức đào tạo chương trình chất lượng cao tại các trường đại học. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào