Trợ giảng chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?

Tiêu chuẩn đối với trợ giảng chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học được quy định thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Bình Thuận. Vừa qua đọc báo và theo dõi tin tức lĩnh vực giáo dục, tôi thấy hiện nay ở các trường đại học, ngoài các hệ đào tạo như hệ chính quy, tại chức hay vừa làm vừa học còn có các lớp được tổ chức đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Vậy, trợ giảng chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Tấn Thông (thong***@gmail.com)

Ngày 18/7/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Văn bản này quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (sau đây gọi là đào tạo chất lượng cao, viết tắt là ĐTCLC) bao gồm: tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học; điều kiện đào tạo chất lượng cao, thủ tục xác nhận đề án ĐTCLC, đình chỉ tuyển sinh chương trình chất lượng cao và áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học (bao gồm cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng) trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo đó, tiêu chuẩn đối với trợ giảng chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT. Cụ thể bao gồm:

a) Có trình độ thạc sĩ trở lên. Riêng giảng viên dạy lý thuyết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ thạc sĩ tốt nghiệp ở các trường đại học của các nước phát triển đúng ngành hoặc thuộc ngành gần (đối với các ngành đặc thù);

b) Có năng lực chuyên môn, NCKH đáp ứng yêu cầu của CTĐT chất lượng cao; có kinh nghiệm giảng dạy liên quan đến ngành CTĐT chất lượng cao từ 3 năm trở lên; có phương pháp giảng dạy hiệu quả; áp dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy và NCKH;

c) Giảng viên dạy các học phần chuyên môn bằng ngoại ngữ, ngoài các tiêu chuẩn nêu tại điểm a, b khoản này, phải có trình độ ngoại ngữ bậc 5/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương tương) hoặc được đào tạo trình độ đại học trở lên toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ đó;

d) Có giảng viên uy tín của các trường đại học nước ngoài (bao gồm cả giảng viên Việt Nam có quốc tịch nước ngoài) hoặc giảng viên Việt Nam đã tham gia giảng dạy trình độ đại học trở lên ở nước ngoài hoặc giảng viên đã được đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của CTCLC tham gia giảng dạy các học phần được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 12 của Quy định này;

đ) Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy CTCLC do thủ trưởng cơ sở đào tạo phê duyệt theo đề nghị của trưởng đơn vị chuyên môn hoặc hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo, được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về tiêu chuẩn đối với trợ giảng chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đào tạo giáo dục đại học

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào