Luật hành chính có quan hệ ra sao với Luật lao động?
Đối với thắc mắc của bạn, hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật hành chính có quan hệ chặt chẽ với Luật lao động, nhiều quy phạm pháp luật của hai ngành luật này đan xen vao nhau, cùng điều chỉnh một số vấn đề.
Quan hệ này thể hiện trong những trường hợp cụ thể như:
- Thẩm quyền của các cơ quan trực tiếp quản lý lao động và bảo đảm xã hội như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở lao động - thương binh và xã hội, do Luật hành chính quy định.
Theo đó, một trong những chức năng của Nhà nước, thông qua các cơ quan của mình, là tiến hành kiểm tra, giám sát công tác bảo hộ lao động và quy tắc an toàn lao động. Hoạt động này do Luật hành chính quy định nhưng bản thân các quy tắc bảo hộ và an toàn lao động là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật lao động.
- Đa phần các chính sách về lao động - tiền lương được quyết định bởi cơ quan hành chính, làm cơ sở cho các quan hệ lao động;
- Nhiều khi quan hệ pháp luật hành chính là phương tiện để thực hiện quan hệ pháp luật lao động. Chẳng hạn: trong quản lý lĩnh vực quan hệ lao động, trình tự ban hành các văn bản cá biệt của các cơ quan hành chính do Luật hành chính quy định nhưng nội dung của chúng do Luật lao động quy định;
- Luật Hành chính và Luật lao động cùng điều chỉnh hoạt động công vụ, chế độ công chức, viên chức nhà nước.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về mối quan hệ giữa Luật hành chính và Luật lao động. Nếu có vướng mắc vấn đề gì về mặt pháp lý, bạn vui lòng liên hệ Ngân hàng Hỏi - Đáp pháp luật để được giải đáp thêm.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật