Quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

Quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Bùi Ngọc Thịnh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đào tạo khối ngành sức khỏe. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Bùi Ngọc Thinh (ngocthinh*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe có hiệu lực từ ngày 20/11/2017 thì quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe được quy định cụ thể như sau:

- Cơ sở giáo dục có quyền sau đây:

+ Quyết định việc chi trả thù lao và các chế độ khác (nếu có) cho người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành tham gia hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu đào tạo, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục theo quy định;

+ Được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành là giảng viên cơ hữu trong các trường hợp:

Cơ sở giáo dục công lập được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2017/NĐ-CP là giảng viên cơ hữu nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở giáo dục;

Cơ sở giáo dục ngoài công lập được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành ngoài công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2017/NĐ-CP là giảng viên cơ hữu nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở giáo dục;

Một người chỉ được kiêm nhiệm và kê khai là giảng viên cơ hữu tại một cơ sở giáo dục; không áp dụng quy định này với các cơ sở thực hành của lực lượng vũ trang.

- Cơ sở giáo dục có trách nhiệm sau đây:

+ Xác nhận quá trình giảng dạy thực hành để xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các hình thức thi đua, khen thưởng khác đối với người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành theo quy định của pháp luật về giáo dục và pháp luật về thi đua khen thưởng;

+ Mời đại diện người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành tham gia hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn;

+ Tạo điều kiện cho người giảng dạy thực hành tham gia bồi dưỡng về phương pháp dạy - học lâm sàng phù hợp với chương trình đào tạo thực hành cho người giảng dạy thực hành;

+ Xác nhận và làm thủ tục công nhận cho người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành là giảng viên (hoặc giáo viên) cơ hữu hoặc thỉnh giảng của cơ sở giáo dục khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục.

Trên đây là nội dung tư vấn về quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 111/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cơ sở giáo dục

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào