Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia được phân loại như thế nào?

Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia được phân loại như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Quang Đại hiện đang sống và làm việc tại Bến Tre. Tôi hiện đang tìm hiểu về hoạt động dự trữ quốc gia. Tôi có nghe nói về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia. Tôi có thắc mắc về vấn đề này mong được Ban biên tập giải đáp giúp. Thắc mắc của tôi cụ thể như sau: Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia được phân loại như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập.

Phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 4 Thông tư 108/2013/TT-BTC quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia được phân loại như sau:

1. Định mức chi phí nhập: Là tổng mức chi phí tính bằng đồng Việt Nam được sử dụng để hoàn thành việc nhập một đơn vị hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy trình nghiệp vụ và các quy định của pháp luật.

2. Định mức chi phí bảo quản: Là tổng mức chi phí (tính bằng đồng Việt Nam) được sử dụng cho quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo quản 01 đơn vị hàng hóa dự trữ quốc gia trong thời gian lưu kho theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Định mức chi phí bảo quản gồm:

a) Định mức chi phí bảo quản lần đầu: Là tổng mức chi phí tính bằng đồng Việt Nam được sử dụng để bảo quản lần đầu cho một đơn vị hàng hóa dự trữ quốc gia ngay sau khi nhập kho theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

b) Định mức chi phí bảo quản thường xuyên hàng năm: Là tổng mức chi phí tính bằng đồng Việt Nam để bảo quản một đơn vị hàng dự trữ quốc gia được lưu kho trong một năm (12 tháng) theo quy định.

c) Định mức chi phí bảo quản định kỳ: Áp dụng cho hàng hóa dự trữ được bảo quản theo một chu kỳ thời gian nhất định (định mức bảo quản định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm/01 lần…).

3. Định mức chi phí xuất: Là tổng mức chi phí tính bằng đồng Việt Nam được sử dụng để hoàn thành việc xuất một đơn vị hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy trình nghiệp vụ và các quy định của pháp luật.

4. Định mức hao hụt hàng dự trữ quốc gia: Là khối lượng hàng dự trữ quốc gia bị tiêu hao trong quá trình bảo quản do đặc điểm hàng hóa hoặc do lấy mẫu kiểm tra hàng dự trữ quốc gia sau một thời gian bảo quản theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Định mức hao hụt được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với khối lượng ban đầu.

Trên đây là tư vấn về phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 108/2013/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào